Đối với cây lúa, nông dân đã thực hiện các chương trình IPM, ICM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, công nghệ sinh thái, cánh đồng liên kết. Qua đó, tạo điều kiện để nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp giảm chi phí, tăng chất lượng nông sản. Mô hình sản xuất lúa theo quy chuẩn GAP được Trường Đại học Cần Thơ kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Cường (Tam Nông) 2 năm qua đã chứng minh rõ hiệu quả sản xuất trong từng mùa vụ là chi phí giảm, năng suất tăng, chất lượng lúa gạo đảm bảo yêu cầu xuất khẩu và lợi nhuận của nông dân tăng vượt trội so với sản xuất bình thường. Đến nay, HTX nông nghiệp Tân Cường có 62,5ha sản xuất lúa được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.

Đối với cây quýt hồng, qua các chương trình tập huấn IPM, thực hiện mô hình vườn kiểu mẫu, tập huấn hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng GAP và từ năm 2009, được sự hướng dẫn của Hội Làm vườn Trung ương, nông dân đã áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP. Qua thực hiện quy trình, nông dân tỉa cành, tạo tán, dùng phân hữu cơ, phun thuốc sinh học... giúp giảm chi phí, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật 5-7 lần/vụ. Trong năm 2012, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã cấp chứng nhận VietGAP cho tổ liên kết sản xuất quýt hồng xã Long Hậu với diện tích 4,57ha, 13 hộ tham gia. Hiện nay tổ đã nâng lên thành lập HTX và đang tái chứng nhận VietGAP.

Đối với cây xoài, một trong những thế mạnh của tỉnh với tổng diện tích khoảng 9.300ha, sản lượng 80.000 tấn/năm có mô hình canh tác xoài đủ điều kiện sản xuất an toàn thực hiện từ năm 2012 và được nhân rộng qua các năm. Hiện tại, HTX xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh được Công ty CP giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu cấp chứng nhận GlobalGAP trên diện tích 20,059ha cho 25 hộ nông dân; Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cấp chứng nhận VietGAP cho HTX xoài Mỹ Xương diện tích 5ha với 5 hộ tham gia; Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu cấp mã số vùng trồng xoài xuất khẩu sang New Zealand với diện tích 33,2ha cho 40 hộ dân.

Dự án vùng sản xuất rau an toàn (giai đoạn 2008 - 2015) được UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện từ năm 2009. Kết quả, đã từng bước hướng dẫn người nông dân sản xuất theo VietGAP, một số nơi cũng đăng ký sản xuất theo GAP và được chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn theo VietGAP như HTX sản xuất rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự diện tích 80ha, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành 2ha. Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã thực hiện mô hình “Sản xuất ớt cay an toàn” tại xã Tân Huề, Thanh Bình với diện tích 10ha/34 hộ, hướng dẫn nông dân sử dụng phân hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo 4 đúng, làm quen thực hiện ghi chép tình hình sản xuất để tiến tới thực hiện mô hình đạt VietGAP.

Lĩnh vực thủy sản, Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra của Chính phủ được ban hành trong bối cảnh thị trường cá tra có nhiều biến động. Trước những yêu cầu nghiêm ngặt của quy định mới, các doanh nghiệp, hộ nuôi tại Đồng Tháp đã có những thay đổi kịp thời. Nuôi cá tra theo hướng VietGAP là một chuyển biến tích cực theo hướng bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 406,65ha được cấp giấy chứng nhận quốc tế như VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP...; sản phẩm cá tra chế biến của tỉnh đã có mặt trên 90 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, nhìn lại lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt nói chung VietGAP chưa thực sự đi sâu vào nhận thức người nuôi trồng. Để hướng tới nền nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung theo nhu cầu thị trường, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các mô hình áp dụng GAP trên cây lúa, cây ăn trái, cây rau, cây ớt; tập huấn kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ để được chứng nhận VietGAP, từng bước mở rộng diện tích trên các cây chủ lực phù hợp ở các địa phương. Cụ thể, giai đoạn đến 2015 thực hiện và đăng ký chứng nhận đạt VietGAP trên cây lúa 530ha, xoài 110ha, nhãn 20ha, ớt 50ha, rau 20ha; giai đoạn 2016-2020 mở rộng diện tích thực hiện và chứng nhận VietGAP trên cây lúa  2.140ha, xoài 275ha, nhãn 50ha, ớt 100ha, mè 30ha, rau các loại 40ha, đồng thời, tiếp tục hướng dẫn nông dân thực hiện sản xuất theo hướng VietGAP trên các cây chủ lực của tỉnh như lúa, xoài, nhãn, ớt, mè cho các diện tích còn lại.

 

Theo báo Đồng Tháp