Vụ đông năm 2007, ngành nông nghịêp Thái Bình đề ra chỉ tiêu phấn đấu diện tích cây vụ đông đạt 35 ngàn ha với nhóm cây chủ lực là đậu tương đông trên đất 2 lúa, ngô thu đông và ngô đông, khoai lang, rau màu các loại và khoai tây.

Năm 2007 là một trong những năm đầy khó khăn thử thách với ngành nông nghiệp, vụ xuân ấm bất thường giai đoạn sau cấy năng suất lúa chỉ bằng 85% so vụ xuân năm trước, vụ mùa tuy có thuận lợi hơn, lúa mùa tốt đều khắp các trà các vùng và đạt năng suất khá cao nhưng những đe doạ từ thiên nhiên thì liên tục xảy ra, bão số 4 và bão số 5 tuy không trực tiếp đổ bộ nhưng cũng gây cản trở và nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, tiến độ thu hoạch lúa mùa bị chậm lại, mưa gây ngập úng đúng lúc gieo trồng cây vụ đông ưa ấm như đậu tương, ngô, khoai lang, những nhóm cây chủ lực và có diện tích lớn tại Thái Bình. Cộng hưởng với các khó khăn khách quan này là cơn bão giá về vật tư, phân bón, công lao động, khiến vụ đông ở nhiều vùng như bị co lại. Tuy vậy với sự cố gắng và nỗ lực to lớn của nông dân các địa phương, sự quyết tâm cao của các cấp các ngành trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo, diện tích cây vụ đông của tỉnh vẫn đạt gần 31.000ha giảm khoảng 658 ha so với năm 2006. Diện tích ngô vẫn đạt gần 6.400ha và đậu tương đạt gần 5000ha tăng gần 500ha so với vụ đông 2006, diện tích khoai tây có giảm nhưng các loại cây rau màu giá trị lại tăng đáng kể, nhiều huyện diện tích vụ đông tăng như Hưng Hà, Vũ Thư, Kiến Xương...

Vụ đông 2007 đánh dấu một sự chuyển biến trong nhận thức của nông dân, các loại cây trồng có chi phí đầu tư thấp dễ làm được nông dân quan tâm hơn, các cây rau màu ngắn ngày, có hệ số quay vòng nhanh cũng được nhiều người chộp thời cơ tận dụng, một sào su hào trồng sớm có giá trị thu hoạch tới 2.5-3 triệu đồng, tương tự như vậy với cà chua giống chịu nhiệt, trồng sớm cho thu hoạch quả thương phẩm vào đầu tháng 10 có mức 3-3.5 triệu đồng/sào. Với gần 31 ngàn ha, giá bán nông sản các loại đều khá cao nên giá trị thu hoạch từ vụ đông của Thái bình ước đạt gần 80-90tỷ đồng.

Đậu tương sau đất lúa là cây trồng, theo đánh giá sẽ có tính khả thi và thực tế hơn đối với mục tiêu mở rộng diện tích đậu tương lên 10 ngàn ha và rộng hơn vào những năm tiếp sau. Nhiều hình thức dồn đổi, mượn ruộng cũng đã xuất hiện ở Thái bình, ngành chuyên môn và địa phương khuyến khích hình thức này vì thực sự nó mang lại hiệu quả kinh tế và mức lợi nhuận là khá hấp dẫn. Ông Nguyễn Văn Quyết-một nông dân kỳ cựu ở HTX Hợp tiến-Đông hưng cho cho chúng tôi biết rằng: Năm 2005 sau khi được đi thăm quan tại Phú Xuyên - Hà Tây, vụ đông năm 2006 ông quyết định bố trí 1 mẫu trong 1,7 mẫu ruộng của gia đình để làm đậu tương sau lúa theo hình thức gieo vãi trên đất ướt, vụ đầu tiên còn thiếu kinh nghiệm nên cây đậu tương lên không đều, mật độ không đảm bảo và chăm bón chậm, tuy vậy ông vẫn thu hoạch được gần 50kg hạt đậu khô/sào và ông hạch toán vụ đậu tương đông của ông ngang bằng về giá trị so vụ lúa nhưng tốn ít công và chi phí hơn. Vụ đông 2007 ông mạnh dạn bàn cùng gia đình làm 1.5 mẫu, mặc dù khó khăn trong khâu thu hoạch lúa mùa, nhưng thu đến đâu ông đã tiến hành gieo ngay đậu tương đến đó theo kiểu sáng gặt lúa chiều đậu tương, năm nay 1,5 mẫu đậu tương của ông khá tốt và ước đạt 55-60kg/sào. Giá đậu tương thịt thời điểm hiện tại là 10 ngàn đồng/kg, ông phấn khởi cho rằng, vụ này trừ chi phí đi, ông còn lãi ít nhất 350 ngàn đồng/sào, và làm đậu tương đông trên đất 2 lúa là “kiểu làm giả ăn thật”. Nếu có đất cho mượn ông sẽ làm 10-15 mẫu ở vụ đông năm sau, bởi ông đã có kinh nghiệm từ 2 vụ vừa qua.

Ở Thái Bình, nhiều địa phương đã chỉ đạo rất tốt phong trào làm cây vụ đông, Hưng Hà có hàng chục xã diện tích đậu tương đông sau lúa mùa được gieo thành vùng tập trung với diện tích hàng trăm ha. Taị hội nghị này, Sở NN&PTNT Thái bình đã tổng kết một số kinh nghiệm và bài học về công tác chỉ đạo lãnh đạo của các cấp chính quyền cơ sở, địa phương nào được quan tâm và chỉ đạo sắt sao, có đội ngũ cán bộ nhiệt tình, mạnh dạn và đi đầu trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật thì nông dân ở đó hưởng ứng rất cao, tất nhiên cũng hết rồi cái thời áp đặt chỉ tiêu và chỉ hô hào suông trên giấy. Việc tổng kết các vấn đề kỹ thuật gieo trồng và ứng phó với tình huống thời tiết, phù hợp với đất đai cũng sẽ được ngành nông nghiệp phối hợp cùng các địa phương chỉ rõ và hướng cho nông dân lựa chọn khoa học hơn, cụ thể hơn. Vụ đông năm nay một số địa phương được sự hỗ trợ của chương trình khuyến nông cũng đã triển khai nhiều biện pháp từ gieo vãi, bỏ gốc dạ, và áp dụng cơ giới gieo bằng máy.Việc gieo bằng máy tiết kiệm đáng kể chi phí công lao động và tận dụng tốt thời vụ-một trong những khâu then chốt của gieo trồng đậu tương đông chắc chắn sẽ mở ra hướng mới trong việc thực hiện chủ trương mở rộng diện tích đậu tương đông sau lúa. Một số chính sách cũng đã được Sở NN&PTNT kiến nghị với tỉnh, đặc biệt chính sách hỗ trợ cơ giới hoá và chính sách khen thưởng với những vùng có diện tích đậu tương tập trung từ 150 ha trở lên, những hộ làm nhiều diện tích, và cả việc nghiên cứu đề xuất các cơ chế hỗ trợ cho trường hợp các đoàn thể, hộ nông dân mượn ruộng để làm đậu tương đông với diện tích lớn. Cùng với lúa, màu vụ xuân, vụ màu hè, vụ lúa mùa, vụ đông ở Thái Bình sẽ trở thành một trong những vụ chính, nhiều hộ nông dân ở Thái Bình sẽ khá lên từ những vụ đông trúng mùa được giá này./.

Trần Xuân Định - PGĐ sở NN & PTNT Thái Bình