Tham dự Hội nghị có đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố có tổ chức sản xuất hạt lai F1 khu vực miền Bắc từ Thanh Hóa trở ra; đại biểu các đơn vị, doanh nghiệp tham gia sản xuất hạt lai F1 trên địa bàn cả nước và đại diện các doanh nghiệp đang phối hợp thực hiện Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2014-2016 “Phát triển mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 góp phần tăng tỷ lệ hạt giống sản xuất trong nước”. 

 

 

Ban chủ tọa Hội nghị. (Ảnh: Hòa Trà)


Kỷ lục về năng suất, chất lượng ổn định của hạt lai F1 sản xuất trong nước


Năm 2014, mặc dù có nhiều biến động về điều kiện thời tiết, tác động tới ngành sản xuất hạt giống lúa lai F1, nhưng lúa lai F1 vẫn đạt kỷ lục về năng suất và chất lượng ổn định.


Vụ đông xuân ở miền Bắc, đầu vụ gặp nhiều đợt rét đậm kéo dài làm cây lúa sinh trưởng chậm. Tháng 3 đến tháng 4, trời âm u, lạnh, cây lúa đẻ nhánh kéo dài, phân hóa đòng chậm, các dòng bố mẹ sinh trưởng lệnh pha gây tốn nhiều công, vật tư hóa chất điều chỉnh trỗ trùng khớp. Trung tuần tháng 5 nắng nóng gay gắt nhiều độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm 1,0 -1,5 độC, nhiều ngày nhiệt độ cao trên 38 độC, đặc biệt từ ngày 15 đến 25 tháng 5 đợt nắng nóng dữ dội trùng vào thời điểm lúa trỗ bông, tung phấn làm ảnh hưởng xấu đến khả năng thụ phấn, kết hạt vào chắc. Miền Nam đầu vụ thời tiết thuận lợi, cuối vụ gặp nắng nóng 34-36 độC ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây lúa. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên giai đoạn mạ, cây con cũng bị ảnh hưởng do thời tiết lạnh của miền Bắc, tuy nhiên giai đoạn lúa phân hóa đòng và trỗ, nhiệt độ thuận lợi từ 26 – 28 độC nên năng suất hạt lai khá cao, nhiều tổ hợp đạt kỷ lục về năng suất như: Nhị ưu 838 đạt 39 tạ/ha, Bác ưu 903 KBL đạt 44 tạ/ha. Đặc biệt, những tổ hợp này đều được sản xuất từ hạt giống bố mẹ chọn tạo và nhân dòng trong nước.


Trong vụ mùa, sản xuất hạt lai F1 ở miền Bắc chủ yếu đối với các tổ hợp lúa lai hai dòng. Đầu vụ, thời điểm gieo mạ một số trà gieo bố mẹ sớm gặp mưa lớn. Giai đoạn phân hóa đòng, nhiệt độ trung bình ngày cao hơn 27 độC nên không xảy ra tình trạng hữu dục đối với các dòng TGMS như các vụ trước. Tuy nhiên giai đoạn trỗ, tung phấn, thời điểm phun GA3 của một số trà gieo cấy đợt 2 trỗ từ ngày 13 - 17 tháng 9, ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Miền núi phía Bắc như tại Hải Phòng, Bắc Giang, Nam Định, Lào Cai… gặp cơn bão số 3 gây mưa kéo dài ảnh hưởng khoảng 20-25% số bông trỗ cờ tung phấn giai đoạn này bị giảm năng suất.


Trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, các đơn vị đã áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật để điều chỉnh sinh trưởng cho bố mẹ. Kết quả một số mô hình năng suất vẫn cho năng suất cao như tổ hợp TH3-3 tại Nam Định đạt 27-35 tạ/ha.


Tổng sản lượng hạt lai F1 sản xuất trong nước cả năm ước đạt khoảng 5.000 tấn, lần đầu tiên đáp ứng khoảng 40% nhu cầu hạt lai F1 của Việt Nam.


Phát biểu tại Hội nghị, TS. Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Các đơn vị trong nước đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu và phát triển sản xuất bố mẹ và hạt giống lúa lai F1 trong nước, ruộng sản xuất hạt giống lúa lai F1 từ nguồn bố mẹ sản xuất trong nước đã đạt năng suất cao với độ thuần đồng ruộng qua kiểm định đạt tương đương các giống nhập nội”.

 

Hội nghị thu hút đông đảo các đại biểu và bà con nông dân đến tham dự. (Ảnh: Hòa Trà)

 


Tạo niềm tin cho doanh nghiệp


Sản xuất hạt giống lúa lai F1 là công nghệ cao, phức tạp và có nhiều rủi ro về thời tiết bất thường, nhất là đối với các tổ hợp lai 2 dòng có dòng mẹ bất dục đực mẫn cảm với nhiệt độ (TGMS), đồng thời hạt giống lúa lai sản xuất trong nước thường xuyên phải cạnh tranh gay gắt với hạt giống nhập nội từ nước ngoài.


Sau nhiều năm thăng trầm trong lĩnh vực sản xuất hạt giống lúa lai F1, hiện nay cả nước chỉ còn khoảng 20 doanh nghiệp duy trì sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Thị Trâm – Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Chuyên gia đầu ngành về chọn tạo giống lúa lai của Việt Nam chia sẻ: “Ngành chọn tạo giống lúa lai Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn cơ bản: Giai đoạn đầu tiên: sử dụng hạt lai F1 nhập nội, khảo nghiệm thích ứng và đưa vào sản xuất, giai đoạn này ngành sản xuất lúa lai của Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn giống nước ngoài; Giai đoạn thứ hai: các nhà khoa học trong nước đã chọn tạo được các dòng bố mẹ tốt, đặc biệt là các tổ hợp lúa lai hai dòng triển vọng mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên, đồng thời xác định được các vùng nhân dòng bố mẹ và vùng sản xuất hạt lai F1 phù hợp. Giai đoạn 3 hiện nay: đã có bước tiến vượt bậc về chất, các thế hệ học trò đã cùng các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu và chọn tạo được các tổ hợp lúa lai F1 thế hệ mới tích hợp nhiều gen quý có tiềm năng năng suất cao, có khả năng thích ứng rộng, khả năng kháng bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, có chất lượng cao hơn và có hương thơm…đây chính là niềm tự hào của lúa lai Việt Nam”.


Theo bà Phạm Thị Cằng - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Kỹ thuật Cao Hải Phòng: “Cho đến nay các doanh nghiệp về cơ bản đã làm chủ được công nghệ sản xuất hạt lai, tuy nhiên để tạo bước đột phá về năng suất, sản lượng và quy mô sản xuất, các doanh nghiệp tham gia sản xuất lúa lai không còn cách nào khác phải đầu tư vào nghiên cứu. Doanh nghiệp sẵn sàng cùng các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, mua bản quyền, tổ chức sản xuất để tạo ra được các dòng bố mẹ, các tổ hợp lai có ưu thế vượt trội để phát triển lúa lai thương hiệu Việt bền vững”.


Ông Phạm Quang Dương - Giám đốc Chi nhánh miền Bắc - Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam cho biết: “Đã qua rồi thời kỳ làm ăn chụp giật, các đơn vị nhập khẩu hạt giống bố mẹ từ nước ngoài sản xuất hạt lai F1 tại việt Nam hầu hết đều không ổn định và không có nhiều lợi nhuận”. Ông Dương khẳng định: “Chỉ có các đơn vị chủ động được nguồn cung giống bố mẹ trong nước hoặc tự sản xuất được bố mẹ, kiểm soát được chất lượng hạt giống bố mẹ thì sản xuất hạt lai F1mới ổn định và có lãi, cộng thêm giá trị gia tăng do người nông dân được hưởng lợi trong chuỗi sản xuất sẽ tạo nên hệ thống bền vững trong sản xuất hạt giống lúa lai F1”.


Ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Mahyco cho biết: “Đây là lần thứ ba trong năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội nghị sơ kết tình hình sản xuất hạt giống lúa lai F1. Mục tiêu nhằm chia sẻ thông tin, học hỏi rút kinh nghiệm giữa các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý và các đơn vị trực tiếp tổ chức sản xuất hạt lai F1, đã tạo niềm tin lớn cho các doanh nghiệp tham gia Dự án về triển vọng phát triển của ngành sản xuất hạt giống lúa lai trong nước”. Ông Hoàng cũng đề xuất: “Nhà nước nên có những chính sách cụ thể trong lĩnh vực xuất nhập khẩu các dòng bố mẹ và khảo nghiệm các tổ hợp lai mới để các đơn vị sản xuất trong nước yên tâm phát triển sản xuất các tổ hợp lúa lai được chọn tạo và phát triển tại Việt Nam”.


Định hướng phát triển lúa lai Việt Nam bền vững


Phát biểu tại Hội nghị, TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Năm 2014, Bộ Nông nghiệp&PTNT đã đầu tư nguồn lực rất lớn cho Dự án sản xuất hạt giống lúa lai F1 trong nước giai doạn 2014-2016, nhận thấy yếu tố quyết định thành công trong sản xuất hạt lai là hạt giống bố mẹ, Bộ tiếp tục cho phép triển khai dự án duy trì và sản xuất hạt giống bố mẹ cho các tổ hợp lúa lai 2, 3 dòng triển vọng có năng suất, chất lượng cao sản xuất trong nước giai đoạn 2015-2017 để tạo chuỗi kép kín từ nghiên cứu duy trì nguồn giống bố mẹ, sản xuất hạt giống F1, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để hoàn thiện quy trình và công nghệ sản xuất lúa lai F1 trong nước”.


Đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, TS. Pham Đồng Quảng cho biết: “Cục Trồng trọt sẽ tiếp tục đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT những chính sách phù hợp để giúp đỡ tối đa các doanh nghiệp trong và ngoài nước tháo gỡ khó khăn, tổ chức sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại Việt Nam”.

 

Một số hình ảnh tham quan mô hình:

 

 

TS. Phan Huy Thông - GĐ TTKNQG (thứ ba từ trái sang), cùng các đại biểu tham quan mô hình trình diễn 

Phát triển mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Hòa Trà)

 

.

 Đại biểu tham quan mô hình trình diễn Phát triển mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1

tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Hòa Trà)

 

TS. Phan Huy Thông - GĐ TTKNQG trả lời phỏng vấn các phóng viên báo, đài. (Ảnh: Hoa Trà)

  

 

Đặng Quý Nhân
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia