Năm 2014, hệ thống khuyến nông tiếp tục triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới đối tượng nghèo và cận nghèo nhằm tạo cơ hội cho lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp phù hợp với trình độ, năng lực, điều kiện sản xuất ngay tại địa phương; đồng thời có thêm kiến thức và kỹ năng trong sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, biết cách làm nghề, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng suất lao động và giải quyết việc làm tại chỗ.

Học viên thực hành về quản lý dịch hại tổng hợp tại lớp đào tạo nghề ở xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương

Trong năm hệ thống khuyến nông đã trực tiếp triển khai 312 lớp đào tạo nghề nông nghiệp hơn 9.000 lao động nông thôn, phối hợp với các đơn vị, đoàn thể tham gia giảng dạy 138 lớp đào tạo nghề cho hơn 4.000 lao động nông thôn. Các ngành nghề được đào tạo đều gắn với chủ trương tái cơ cấu ngành: Chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học; Kỹ thuật trồng nấm, hoa, cây lương thực, cây thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp theo VietGAP; Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú theo VietGAP, Kỹ thuật sản xuất giống thủy sản... Kết thúc khóa học, các học viên đã biết vận dụng kiến thức để tự tổ chức sản xuất và mở rộng quy mô, liên hệ việc làm hoặc hợp tác với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm, thành lập trang trại, tổ sản xuất, hợp tác xã…

Thực hiện nhiệm vụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Trung tâm khuyến nông các tỉnh trực tiếp triển khai công tác đào nghề cho lao động nông thôn tại địa phương. Nhiều đơn vị đã triển khai hoạt động này đạt kết quả cao như: Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp, Trung tâm Khuyến nông Kon Tum, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang, Trung tâm Khuyến nông Long An. Đào tạo nghề do hệ thống khuyến nông thực hiện có ưu thế gắn với mô hình khuyến nông tạo điều kiện thực hành tốt cho học viên.

Học viên thực hành treo bịch nấm tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà  Nam

Hình thức và phương pháp đào tạo nghề cũng có nhiều đổi mới: Các lớp dạy nghề được tổ chức ngay tại địa phương, ưu tiên triển khai tại các xã xây dựng nông thôn mới; Tăng thời gian thực hành tại hiện trường; Tài liệu được biên soạn phù hợp với từng nội dung đào tạo và đối tượng học viên, tăng cường sử dụng các giáo cụ trực quan sinh động như mẫu vật, băng đĩa hình, tranh ảnh để học viên dễ tiếp thu và áp dụng vào thực tế sản xuất.

Học viên thực hành tại lớp tập huấn kỹ thuật về thủy sản

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cũng gặp không ít khó khăn, đến nay mới có 30/63 đơn vị được cấp phép cơ sở đào tạo nghề do các địa phương đã có nhiều cơ sở dạy nghề cho nông dân hoặc quy trình thẩm định hồ sơ chậm dẫn đến một số đơn vị không thể triển khai kế hoạch được giao, như Trung tâm Khuyến nông Hà Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi,...Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam mặc dù được cấp giấy chứng nhận cơ sở dạy nghề nhưng 2 năm 2013 - 2014 cũng không được giao nhiệm vụ.

Cơ chế chính sách còn bất cập như hạn chế độ tuổi lao động tham gia đào tạo, thời gian đào tạo quá dài, mỗi người chỉ được học một nghề, hồ sơ thủ tục quá nhiều, kinh phí hỗ trợ thấp nên không có điều kiện tham gia đầy đủ chương trình. Đối tượng học viên lại chủ yếu là đồng bào dân tộc, người nghèo, trình độ học vấn chưa đồng đều nên không thể tham dự đủ thời lượng của lớp học. Một số hộ cận nghèo và nghèo sau khi học xong do thiếu vốn nên cũng không thể mở rộng được sản xuất. Việc gắn kết đào tạo với giải quyết việc làm vẫn chưa đồng bộ nên một số lao động sau khi được đào tạo nghề đã không duy trì được sản xuất; Hoặc một số lao động nông thôn học nghề chưa gắn với việc làm hoặc chưa có việc làm mới phù hợp.

Qua một năm hệ thống khuyến nông trực tiếp triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để điều tra, khảo sát và xác định nhu cầu học nghề của người dân, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo sát với thực tế: Tư vấn giúp người học lựa chọn nghề phù hợp với trình độ, năng lực, điều kiện sản xuất và hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho người sau học nghề.

Thực hiện tốt công tác phân lớp, phân loại đối tượng, lựa chọn nội dung và xác định địa điểm đào tạo hợp lý. Nâng cao chất lượng tài liệu, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Chú trọng nội dung thực hành để rèn luyện kỹ năng cho học viên.

Tăng kinh phí hỗ trợ cho công tác dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở dạy nghề và học viên tham gia tốt hơn. Có chính sách cho người học nghề vay vốn phát triển sản xuất để giải quyết việc làm tại chỗ sau khi được đào tạo.

Đồng hành với các địa phương, năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng đạt hiệu quả và bền vững.

Thanh Huyền - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

(Theo Thông tin Khuyến nông Việt Nam số Xuân Ất Mùi)