Trước đây người dân Ba Sao chỉ nuôi với số lượng ít phục vụ nhu cầu của gia đình, làm quà biếu hoặc bán cho những người thân. Còn giờ đây, người dân Ba Sao đã nhạy bén nắm bắt cơ hội lợi thế địa lý vùng đồi để phát triển số lượng đàn gà của mình nhằm cung cấp cho thị trường tiêu thụ ngày một mở rộng.

Xóm 8 ở thôn Đội có diện tích núi đồi nhiều với khoảng 300 hộ dân thì hầu hết nhà nào cũng trồng na và nuôi gà chạy vườn đồi. Chị Bùi Thị Nguyệt, người trong xóm cho biết: Ở đây nhà nào cũng nuôi gà vườn đồi, quy mô trung bình 50-100 con, hộ nuôi nhiều thì vài trăm con. Cứ nuôi gối lứa để vừa ăn vừa bán cho các mối khách quen, đặc biệt là các đám và lễ tết. Theo chị Nguyệt, cách nuôi theo quy mô gia đình sẽ đỡ mất nhiều vốn đầu tư một lúc và việc quản lý chăm sóc nuôi cũng được tốt hơn. Mặc dù không đo được chính xác diện tích đồi vườn nhà mình được bao nhiêu, nhưng từ cây lâm nghiệp, cây na, cây nhãn, nuôi lợn rừng và gà đồi, mỗi năm gia đình chị cũng thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng.

Để nuôi gà, các hộ ở đây thường làm chuồng trại bằng sàn tre và gỗ rồi quây lưới xung quanh. Ban ngày gà được thả tự do trong khu vực vườn đồi của gia đình để dễ kiểm soát dịch bệnh và tiêm phòng định kỳ theo quy định. Nhờ vậy gà sẽ kiếm ăn từ nguồn thức ăn thiên nhiên như cây lá rừng, sâu mối, giun… nhưng bữa chính các gia đình sẽ cho ăn thóc, ngô, cám. Diện tích rộng rãi, gà được chạy nhảy nhiều nên thịt săn chắc và thơm ngon nên được khách hàng ưa thích. Thường thì dân ở đây nuôi các giống gà gi, gà Ai cập cải tiến, gà ác, gà ta, gà lai chọi… Trung bình nuôi 2 lứa/năm (6-7 tháng được 1 lứa xuất bán), gà ngon khi xuất bán được giá từ 100-120 nghìn/kg.

Đối với một thị trấn đang hướng tưới du lịch sinh thái thì Ba Sao luôn coi trọng việc chăn nuôi phải đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái. UBND huyện luôn tuyên truyền bằng nhiều hình thức để vận động bà con thực hiện đúng quy trình trong chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Cùng với đó là tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi đến hộ gia đình để người dân thực hiện đúng quy trình chăm sóc. Vì vậy, trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018, Ba Sao đã khảo sát nhu cầu và quyết định đăng ký đào tạo nghề chăn nuôi gà an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông Hà Nam tổ chức. Trong lần tham gia cùng bà con tại lớp nghề này, chúng tôi đã cùng hoà vào không khí lớp học và nhận thấy các anh chị em rất phấn khởi khi tham gia vì các hộ đều muốn tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới để chăm sóc đàn gà của gia đình mình tốt hơn, hiệu quả hơn.

Chị Trần Thị Nga, khuyến nông viên cơ sở Ba Sao cho biết: “Việc nuôi gà đồi thả tuy được nuôi trong khu vực quây quản lý của từng diện tích đồi vườn gia đình những vẫn gây khó khăn trong việc quản lý dịch bệnh, nên lớp nghề này đã giúp các hộ nắm bắt các quy trình kỹ thuật chăm sóc gà an toàn sinh học, nhằm tăng năng suất và hiệu quả trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi gà vườn đồi một cách bền vững. Từ đó góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu con nuôi phát huy lợi thế vùng miền. Việc ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật như thú y, chuồng  trại, quy trình nuôi dưỡng, các công nghệ tiên tiến sẽ giúp địa phương nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà vườn đồi theo chuỗi giá trị”.

Mai Huê

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam