Được sự quan tâm của các cấp, các ngành nên công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề nông thôn. Lao động tham gia học nghề có ý thức cao đã nâng cao tay nghề trong sản xuất nông nghiệp cho lao động nông thôn, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội.

Hướng lựa chọn nghề nông nghiệp đào tạo phù hợp với quy hoạch nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan ban ngành đoàn thể và các đơn vị xã, phường cùng với các đơn vị đào tạo nghề. Đặc biệt, công tác đào tạo nghề nông nghiệp đã đáp ứng cho hầu hết số học viên sau khi kết thúc khóa học. Đối với số lao động học nghề nông nghiệp sau khi được đào tạo, người lao động đã nắm vững các kỹ thuật, áp dụng vào thực tế sản xuất, 93% có việc làm sau khi học xong. Các nhóm nghề đã đào tạo như trồng rau, cây ngắn ngày, trồng cây công nghiệp dài ngày (cao su, cà phê, tiêu, điều, sầu riêng…), sửa chữa máy nông nghiệp, máy kéo, chăn nuôi, thú y, chế biến nông sản, thực phẩm… Qua đó cho thấy có sự chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động nhất là lao động nông thôn sau học nghề.

Bên cạnh những thuận lợi trên, công tác đào tạo nghề còn gặp phải những khó khăn, hạn chế. Đó là: Công tác quản lý Nhà nước và chỉ đạo điều hành về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn còn chồng chéo ở các cấp, nhất là cấp huyện; Trình độ của đối tượng tham gia đào tạo nghề thấp; Cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề; Một số lớp yêu cầu tổ chức học ngoài giờ (vào buổi tối) khó khăn cho việc giảng dạy và đi lại của giảng viên; Học viên trong độ tuổi là nam giới ít tham gia, chủ yếu là học viên nữ - người ít trực tiếp lao động… và việc học nghề chủ yếu phục vụ trong sản xuất của gia đình.

Năm 2017, để  đạt được mục tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho 4.900 lao động nông thôn; Sau đào tạo có ít nhất 80% người học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn; UBND các huyện cần tập trung chỉ đạo và phối hợp tốt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; Đào tạo nghề nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017 – 2020; Tổ chức tham mưu biên soạn lại chương trình đào tạo nghề cho phù hợp giai đoạn hiện nay, chú trọng xây dựng một số mô hình điểm về đào tạo nghề đối với cây trồng có lợi thế so sánh của tỉnh như: trồng rau, hoa công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP; nuôi tằm công nghệ cao; nuôi bò thịt công nghệ cao; nuôi bò sữa công nghệ cao;… Đồng thời gắn kết với các công ty, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tham gia dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người học sau học nghề.

Phan Minh Sơn

Chi cục PTNT Lâm Đồng