Để thực hiện được các nội dung này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, trong đó có tới 5 tiêu chí liên quan trực tiếp đến vai trò, nhiệm vụ khuyến nông. Đó là các tiêu chí: tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về hộ nghèo, tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất và tiêu chí số 14 về giáo dục (tham gia đào tạo nghề nông nghiệp, tập huấn, huấn luyện nông dân).

Vậy khuyến nông đã đóng vai trò như thế nào trong tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới?

Sau 5 năm thực hiện mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, đến nay Hà Tĩnh tự hào là một trong ba điểm sáng của cả nước về xây dựng NTM. Toàn tỉnh đã hình thành mới hơn 7.000 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 70 triệu đồng/ha (tăng 1,6 lần so với năm 2010).

Có được kết quả đáng mừng như trên là nhờ vào một phần không nhỏ của đội ngũ cán bộ khuyến nông. Thời gian qua, cùng với các cấp, các ngành chung tay xây dựng NTM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tham gia phong trào xây dựng NTM với nhiều hình thức hoạt động phong phú như: thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, tư vấn kỹ thuật… Với tinh thần nhiệt huyết, tràn đầy trách nhiệm, cán bộ khuyến nông từ tỉnh xuống cơ sở đã cùng bà con xây dựng nên những mô hình nông nghiệp thực sự có hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi đúng đắn, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững cho người dân.

Như vậy, vai trò của khuyến nông đối với sự nghiệp xây dựng NTM là không hề nhỏ, đặc biệt là trong phát triển kinh tế và nâng cao dân trí cho người nông dân. Đó là vì công tác khuyến nông đã thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Công tác thông tin tuyên truyền

Trước hết, người cán bộ khuyến nông tuyên truyền, hướng dẫn người dân hiểu và nắm vững chủ trương xây dựng NTM của tỉnh, thấy rõ trách nhiệm của mình, muốn phát triển và làm giàu chính đáng thì phải tự đổi mới. Đổi mới trong nhận thức, cách nghĩ: từ bỏ những thói quen ích kỷ, tự ty, phong kiến, bảo thủ ở một số người; đổi mới trong cách làm: nhanh chóng thay đổi tập quán làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm ăn gian dối; phải lấy chữ tín làm đầu, nhất là trong cơ chế thị trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt.

Tuyên truyền cho bà con nông dân nắm rõ quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, qua đó tự giác tuân thủ quy hoạch. Cán bộ khuyến nông thông qua phương tiện thông tin đại chúng như tivi, báo, đài, mạng internet, tờ tin khuyến nông, tờ rơi,… để người dân biết được những mô hình hay, cách làm hiệu quả, phù hợp để học hỏi, làm theo, áp dụng vào địa phương mình.

2. Chuyển giao kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập (nhằm đạt yêu cầu tiêu chí số 10; 12)

Tăng cường công tác khuyến nông bằng cách xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, tập trung cho các vùng sản xuất hàng hóa trên cơ sở chuỗi sản phẩm: lúa, rau, củ, quả, chè, bò, lợn, tôm, ... Điển hình như mô hình chuỗi chè Kỳ Thượng, chuỗi lúa Đức Thọ, chuỗi lợn Thạch Long, …

Tăng cường công tác khuyến nông bằng cách xây dựng các mô hình sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị sản phẩm

Đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Xây dựng các mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi cho các sản phẩm hàng hóa sản xuất tập trung, chất lượng cao như mô hình máy làm đất ở Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà; mô hình máy gặt đập liên hợp ở Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà, …

Hướng dẫn người dân chọn những đối tượng cây trồng, vật nuôi hay những mặt hàng nông sản mà địa phương có lợi thế cạnh tranh và thị trường yêu cầu; chọn giống có chất lượng cao; không chỉ coi trọng năng suất, mà phải coi trọng cả về chất lượng sản phẩm, độ an toàn, giá thành và hiệu quả của sản xuất, cũng như tính bền vững của mô hình.

Khuyến khích và giúp đỡ các địa phương bảo tồn, phát triển, nhân rộng mô hình các sản phẩm đặc sản theo tiềm năng, thế mạnh của từng vùng miền theo phương châm “mỗi địa phương một sản phẩm” như: vùng trồng rau, củ, quả công nghệ cao; vùng nuôi tôm trên cát công nghệ cao; bưởi Phúc Trạch; cam Bù Hương Sơn; làng nghề trồng nấm, ...

3. Giảm tỷ lệ hộ nghèo (nhằm đạt tiêu chí số 11)

Thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch khuyến nông tại các huyện nghèo, xã nghèo và thôn nghèo trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn và hàng năm. Triển khai lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên thực hiện các chương trình, dự án, mô hình khuyến nông tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Riêng năm 2015 này, cán bộ  khuyến nông sẽ trực tiếp xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn đồi ở bản Rào Tre (Hương Liên, Hương Khê) – là 1 trong những  xã khó khăn nhất của tỉnh Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông còn chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật theo hướng cầm tay chỉ việc, lý thuyết gắn với thực hành, giúp cho người dân thay đổi nhận thức trong cách làm ăn, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần quan trọng trong việc xóa hộ đói, giảm hộ nghèo một cách căn cơ, bền vững.

4. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn (nhằm đạt tiêu chí số 13).

Khuyến khích những hộ có kinh nghiệm trong quản lý, có khả năng huy động vốn nên mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh; phát triển theo qui mô trang trại hay gia trại, theo hướng an toàn sinh học, sản xuất nông sản sạch. Cùng với đó, các hộ sản xuất phải đẩy mạnh liên kết và tiêu thụ nông sản theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Chuyển đổi mô hình theo hướng “Doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư” nhằm tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, theo hợp đồng tiêu thụ nông sản, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chủng loại theo từng thời gian cụ thể trên địa bàn.

Ngoài ra, cán bộ khuyến nông còn hỗ trợ pháp lý, đề xuất hỗ trợ nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các xã xây dựng NTM; tập huấn nghiệp vụ, giúp cho các tổ hợp tác, hợp tác xã có đủ năng lực tổ chức cung ứng dịch vụ vật tư đầu vào cho sản xuất; giải quyết tiêu thụ sản phẩm đầu ra theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

5. Công tác đào tạo nghề nông nghiệp, tập huấn, huấn luyện nông dân (nhằm đạt tiêu chí số 14).

Trong giai đoạn đầu của xây dựng NTM, cán bộ khuyến nông đã chú trọng đến công tác tập huấn, đào tạo nghề cho bà con trong đó ưu tiên thực hiện với nông dân ở các xã điểm xây dựng NTM. Từ năm 2010 đến nay đã mở được 43 lớp tập huấn cho gần 1.550 cán bộ khuyến nông cơ sở; tập huấn cho nông dân tại mô hình 3.825 người; mở 6 lớp đào tạo nghề nuôi hươu, trồng cây ăn quả,… với 190 nông dân chủ chốt tham gia. Vì thế trình độ và kỹ năng sản xuất của người dân đã được nâng cao rõ rệt.

Nâng cao hoạt động khuyến nông thông qua các hình thức: đào tạo bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn, hội thảo tham quan đầu bờ, sinh hoạt câu lạc bộ khuyến nông,… nhằm nâng cao kiến thức sản xuất chuyên môn cho người dân. Ngoài ra, khi áp dụng phương pháp tập huấn cho người dân, cán bộ khuyến nông phải lấy học viên làm trung tâm, phương pháp tập huấn kết hợp giữa lý thuyết với thực hành tại hiện trường theo chu kỳ sinh trưởng phát triển của cây trồng, vật nuôi.

Có thể nói đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có bước đầu đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn, tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Trong xây dựng NTM, nếu khẳng định “Phát triển sản xuất là gốc” thì “Nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu” và “Lợi ích mang lại cho người dân là động lực”. Với những ý nghĩa đó, công tác khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho các xã xây dựng và thực hiện có hiệu quả các mô hình, dự án phát triển sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; tổ chức liên kết gắn với tiêu thụ nông sản hàng hóa… nhằm giúp cho người dân nâng cao thu nhập, sản xuất và tiêu thụ nông sản mang tính ổn định, bền vững, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM ở Hà Tĩnh./.

      Hoàng Thanh 

TTKN Hà Tĩnh