Ban chủ tọa Hội thảo

Sau gần 30 năm đổi mới, một trong những thành tựu lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam là sự phát triển của ngành lúa gạo. Sản xuất lúa gạo góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy xuất khẩu, tăng thu ngoại tệ, góp phần đẩy mạnh quan hệ quốc tế. Mặc dù có thành tựu to lớn nhưng ngành lúa gạo còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tăng trưởng sản xuất lúa gạo trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng gạo chưa cao, hoạt động chế biến sâu còn hạn chế; sản xuất lúa gạo sử dụng nhiều tài nguyên nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao và gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường. Mặc dù năng suất, sản lượng lúa tăng liên tục nhưng nông dân trồng lúa thu nhập thấp và chịu rủi ro cao so với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị…

Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, đảm bảo thu nhập ổn định cho người trồng lúa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành quyết định số 3648/QĐ- BNN- TCCB ngày 21/8/2014 về thành lập Tổ soạn thảo đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.  

Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo đã trải qua thời gian 2 năm với nhiều cuộc hội thảo tại các vùng miền và đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý nhà nước, các sở công thương, sở nông nghiệp và PTNT, các doanh nghiệp… trên khắp cả nước và một số tổ chức quốc tế. Sau phần trình bày tóm tắt đề án của Viện phó Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng, Đề án tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo. Các góp ý cho Dự thảo tập trung vào các vấn đề: cần phá vỡ tư duy sản xuất tự cung, tự cấp để nâng cao khả năng sản xuất hàng hóa của nông dân; xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam; tăng cường năng lực của các hợp tác xã; nới nhẹ quy chế xuất khẩu gạo để các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể hưởng lợi; vấn đề hạn điền trong sản xuất lúa cần được phân tích thấu đáo để có giải pháp; cần có quy hoạch cụ thể vùng nguyên liệu để xác định tỷ lệ diện tích cho an ninh lương thực và xuất khẩu; cần chú trọng hơn nữa đến cơ sở hạ tầng, giao thông cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long; vai trò của doanh nghiệp phải được thể hiện rõ hơn trong đề án.…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục trồng trọt cho rằng: Tái cơ cấu ngành lúa gạo cần quan tâm tới mục tiêu cụ thể là chuyển từ sản xuất manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, kinh doanh đi đôi với phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Nội dung và giải pháp của Đề án cần quan tâm tới 8 vấn đề: Cần tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức cho bà con nông dân; rà soát lại quy hoạch; quan tâm tới khoa học kỹ thuật và khuyến nông để có một địa chỉ cụ thể giúp bà con nông dân trong sản xuất; vấn đề tổ chức sản xuất cần chú trọng tới tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng như kho tàng tạm trữ, đường giao thông…; quan tâm tới xúc tiến thương mại để giải quyết vấn đề thị trường; phải đào tạo nhân lực cho quá trình tái cơ cấu và cần có cơ chế chính sách thích hợp.

Phó GĐ Trung tâm KNQG Trần Văn Khởi phát biểu tại Hội thảo

Kết thúc góp ý về Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, các đại biểu tiếp tục góp ý cho Dự thảo thông tư quản lý cây ngắn ngày. Trải qua nhiều cuộc hội thảo, tiếp nhận ý kiến, đây là bản dự thảo thông tư lần thứ 12. Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, dự thảo thông tư lần này với tiêu chí rút ngắn thời gian cho quá trình từ khảo nghiệm đến công nhận giống cây trồng ngắn ngày (gần 1 năm), đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính nhưng vẫn phải đảm bảo tiêu chí quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn.

 Sau các ý kiến góp ý tại hội thảo của Vụ Chính sách thuế- Bộ Tài chính, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tổ chức Croplife Việt Nam và Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình, Cục Trồng trọt- Bộ Nông nghiệp và PTNT mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý bằng văn bản của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để thông tư sớm hoàn thiện trước khi được ban hành vào tháng 9/2015.

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia