Hiện nay, ở các tỉnh thành phía Nam đã và đang phát triển chuỗi khép kín trong liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm. Chuỗi này có 2 loại là chuỗi khép kín nuôi gia công và chuỗi khép kín liên kết Hợp tác xã (HTX), Hội và Hiệp hội. Chuỗi khép kín nuôi gia công chủ yếu được thực hiện tại các công ty lớn như CP, JAPFA… với ưu điểm là người chăn nuôi tham gia chuỗi có thu nhập ổn định, lợi nhuận ít bị biến động bởi giá cả thị trường. Tuy nhiên, lợi nhuận giữa các mắt xích trong chuỗi chưa hài hòa, tỷ lệ lợi nhuận của người chăn nuôi thấp (khoảng 8,2%), lợi nhuận chủ yếu thuộc về doanh nghiệp (DN). Với chuỗi này, các DN chủ động nuôi giống ông bà, bố mẹ sản xuất giống thương phẩm cung cấp cho các hộ nuôi gia công qua hợp đồng; đồng thời, các DN cung cấp luôn thức ăn, thuốc thu y và tư vấn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá và sản lượng qui định trước. Người chăn nuôi đầu tư chuồng trại, xử lý môi trường và được hưởng tiền công trên sản phẩm giao nộp theo hợp đồng.

Đối với chuỗi khép kín liên kết HTX, Hội và Hiệp hội, có ưu điểm: người chăn nuôi đồng thời là thành viên HTX, hiệp hội, do vậy lợi nhuận cao (khoảng 25-40%). HTX đảm nhận từ việc nuôi gia cầm bố mẹ, cung cấp con thương phẩm và ký kết với các DN cung cấp thức ăn, vật tư chăn nuôi, thú y cho xã viên. HTX thu mua sản phẩm và chế biến giết mổ tiêu thụ trên thị trường.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình thực hiện chuỗi khép kín trong liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm hiện nay. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đề cao vai trò liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa xã viên với hợp tác xã, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp nhằm tăng chuỗi giá trị hàng hóa bền vững trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm gia cầm. Trong thực tế, một số mô hình mẫu đã cho thấy hiệu quả liên kết chuỗi tại các đơn vị. Chuỗi liên kết chăn nuôi gà ta gò công của HTX chăn nuôi và thủy sản Gò công Tiền Giang là một điển hình, với mục tiêu tổ chức chăn nuôi an toàn theo chuỗi giá trị và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xã viên. Một số chuỗi điển hình khác có thể kể đến, đó là chuỗi chăn nuôi gà Tre thảo mộc Hương Việt tại ấp Lương Phú B, xã Lương Hoà Lạc, huyện Chợ Gạo; Chuỗi liên kết chăn nuôi gà thương phẩm, giết mổ chế biến và tiêu thụ của Công ty Chăn nuôi gia cầm Bình Minh là một trong những điển hình về hình thức kết hợp giữa DN và nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao. Tại Công ty Bình Minh, người nông dân đầu tư trang thiết bị chuồng trại, doanh nghiệp đầu tư con giống, thực ăn, thuốc thú y vắc xin và thu mua lại sản phẩm gà thịt.

Dựa trên những ý kiến, kiến nghị của đại biểu tại Hội thảo và lộ trình đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi đến năm 2020, Cục Chăn nuôi định hướng qui hoạch từng vùng cụ thể để phát triển đối tượng vật nuôi hàng hóa phù hợp như: Chăn nuôi gà ở đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); chăn nuôi vịt ở ĐBSH và ĐBSCL,... cần gắn với tái cơ cấu theo chuỗi giá trị, ngành hàng và phát huy vai trò các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm... Bên cạnh đó, sẽ có những cơ chế hỗ trợ về chính sách, công tác khuyến nông, công tác kiểm tra giám sát chất lượng con giống và chất lượng thức ăn chăn nuôi, chuyển giao qui trình sản xuất theo hướng GAP,... Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi phải dựa trên quan điểm tái cơ cấu tổng thể ngành nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020; chú trọng phát triển những sản phẩm có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua liên kết sản xuất, đảm bảo mục tiêu có lợi cho cả đối tượng người chăn nuôi và người tiêu dùng.

 Nguyễn Văn Bắc - TTKNQG