Đăk Lăk là một trong mười ba tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hỗ trợ triển khai “Dự án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cà phê từ 2022 đến 2025”, với diện tích là 5.600 ha, 29 HTX tham gia, tập trung tại ba huyện là Cư Mgar, Ea Hleo và Krong Năng. Gắn với việc xây dựng vùng nguyên liệu cà phê, hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng địa phương trong việc phối hợp tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm là trọng trách đặt ra trong thời gian tới.

Với đặc thù sản xuất cà phê còn manh mún tại Đăk Lăk, tổ khuyến nông cộng đồng chủ động hỗ trợ nông dân xây dựng hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) để quy tụ diện tích lớn cà phê, tạo thành vùng nguyên liệu, dễ dàng cho tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Vùng nguyên liệu cà phê được khảo sát, kiểm tra phù hợp với qui hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Trong đó, diện tích cà phê phải tập trung, thuận tiện về điều kiện đất đai, tưới tiêu và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tác động. Cũng có thể ưu tiên lựa chọn những HTX nông nghiệp, dịch vụ có uy tín, có năng lực, kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê được hình thành trong thời gian qua, nhằm kiểm soát tốt chất lượng đầu vào (vật tư thiết yếu) và tăng giá trị sản phẩm đầu ra cho thành viên HTX thuộc vùng nguyên liệu. Các thành viên tham gia hợp tác xã có khả năng tiếp thu và thực hiện quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của tổ khuyến nông, tự nguyện đóng góp vốn đối ứng để sản xuất đúng qui trình kỹ thuật. Theo đó, mọi thông tin liên quan đến đề án thí điểm vùng nguyên liệu, tổ khuyến nông cộng đồng phối hợp, thông báo phổ biến, công khai minh bạch trong những cuộc họp trước khi triển khai. Nếu trường hợp tại địa điểm thực hiện có một số hộ không muốn tham gia mô hình thí điểm, cần có sự vận động của chính quyền địa phương và có thể có cơ chế phù hợp để đổi địa điểm sang diện tích khác hoặc thuê lại đất của hộ để đảm bảo tính đồng nhất của mô hình. Với những đặc thù khó khăn bước đầu trong việc xây dựng vùng nguyên liệu cà phê, cán bộ khuyến nông là người chủ động, theo dõi, nghiên cứu, đánh giá, tham mưu, phối hợp để tháo gỡ cho dân. Cán bộ khuyến nông phải là người tìm hiểu, nghiên cứu, tìm tòi nhận biết những doanh nghiệp, tổ chức uy tín để tham mưu, phối hợp trong hoạt động ký kết cùng HTX, THT với các đơn vị cung cấp vật tư thiết yếu đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, giúp HTX, THT hạch toán để cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê chất lượng trong vùng nguyên liệu, gia tăng thu nhập cho nông dân. Cán bộ kỹ thuật trong khuyến nông phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra đánh giá và phản ánh đúng lúc tình hình thực hiện tại cơ sở. Quan tâm, dự đoán các điều kiện tự nhiên như thời tiết, thiên tai… có thể tác động đến quá trình sản xuất của nông dân để phản ánh kịp thời, cùng phối hợp đưa ra những giải pháp khắc phục. Ngoài ra cán bộ khuyến nông còn phối hợp, hỗ trợ nông dân trong việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình sản xuất. Đơn cử như hỗ trợ nông dân ghi chép “nhật ký điện tử”, thu thập dữ liệu các công đoạn quy trình đầu vào của quá trình sản xuất, làm cơ sở truy xuất nguồn gốc về sau. Thông qua nhật ký điện tử cũng sẽ hỗ trợ cho nhà sản xuất quản lý, theo dõi đồng thời cùng lúc, trên nhiều địa bàn khác nhau, có sự sắp xếp công việc một cách khoa học, giảm công lao động rất nhiều, giảm giá thành sản phẩm. Kết nối sản phẩm chất lượng của vùng nguyên liệu đến nhiều kênh tiêu thụ thông qua công nghệ số, theo đó góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Toàn cảnh Hội nghị, tập huấn Nghiệp vụ Khuyến nông cộng đồng

 

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, để thực hiện tốt những yêu cầu trong hoạt động của cán bộ khuyến nông gắn với phát triển vùng nguyên liệu, đòi hỏi người cán bộ khuyến nông phải có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung thực hiện được giao. Cán bộ khuyến nông ngoài tâm huyết với nghề nghiệp, tự thân học tập, nghiên cứu để nâng cao năng lực, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phải có kế hoạch tiến hành tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông cộng đồng cũng như nhân rộng toàn bộ lực lượng khuyến nông trong hệ thống. Phải có cơ chế phù hợp với hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như dịch vụ khuyến nông, theo đó, mới khẳng định vị trí, vai trò của lực lượng khuyến nông đối với ngành nông nghiệp địa phương. Để người làm việc trong lĩnh vực khuyến nông “sống tốt với cái nghề” của mình như Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Trần Thanh Nam đã chia sẻ tại Hội nghị, tập huấn Nghiệp vụ Khuyến nông cộng đồng vừa qua.

 

Hồ Thị Cẩm Lai

Trung tâm Khuyến nông Đăk Lăk