Đến nay, mô hình đã cho thấy hiệu quả về năng suất cũng như chất lượng cây trồng. Đây là cơ sở để các địa phương trong tỉnh nghiên cứu và áp dụng, nhân rộng mô hình, góp phần giảm thiểu sức lao động, tăng thu nhập cho người nông dân.

Giảm chi phí, tăng năng suất

Mô hình được thực hiện ở thôn Trung Sơn và Quế Sơn của xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang với tổng diện tích 55 ha. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% thóc giống, 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tập huấn kỹ thuật theo quy trình thâm canh lúa tổng hợp, làm mạ khay, cấy bằng máy; bón phân cân đối; quản lý dịch hại tổng hợp - IPM.

Giống lúa được sử dụng là Thái Bắc 1789 (hay gọi là giống lúa thuần Đại Đồng) có chiều cao cây 100-110 cm, phiến lá đứng, dày, lá đòng lòng mo, đẻ nhánh khỏe, tập trung. Thời gian sinh trưởng vụ xuân 125-130 ngày, vụ mùa 100-105 ngày; khả năng chống đổ tốt, kháng khá với bệnh hại chính như đạo ôn, khô vằn, bạc lá…; chất lượng gạo tốt, cơm dẻo và mùi thơm nhẹ.

Để mô hình đạt hiệu quả cao, cán bộ Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông đã hướng dẫn bà con ngâm, ủ giống, gieo mạ trong giá thể và chăm sóc mạ. Thời vụ gieo cấy, chăm sóc bón phân, phun thuốc được chỉ đạo sâu sát và thực hiện nghiêm tới các nông hộ; gieo mạ tập trung; gieo 100% diện tích mạ nền cứng và cấy bằng máy Hamco; thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp; sản phẩm thu hoạch được Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang cam kết thu mua toàn bộ với diện tích 55ha. Giá 1kg thóc Đại Đồng tươi thương phẩm bằng 1kg lúa Khang dân 18 khô (tương đương giá thóc sẽ cao hơn khoảng 1.200 đồng/kg). Nếu xảy ra thiệt hại, Công ty sẽ bồi thường cho bà con bằng năng suất, sản lượng bình quân của lúa Khang dân 18.

Ông Nguyễn Văn Tuyền hộ nông dân thôn Trung Sơn chia sẻ, khi vào thời vụ cấy lúa, công lao động lên tới 250 – 300 nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, nếu thuê máy cấy thì chi phí chỉ mất 110 nghìn đồng/sào, chi phí thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp cũng rẻ hơn so với gặt lúa thủ công khoảng 130 nghìn đồng/sào. Như vậy, lợi nhuận trông thấy rõ rệt. Bên cạnh đó, việc cấy thưa cũng giúp giảm thiểu dịch bệnh, bà con chỉ phun phòng 1 lần thuốc BVTV, đến lúc thu hoạch lúa vẫn rất sạch bệnh. Ông Tuyền cho biết thêm, sản xuất lúa cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ cho năng suất cao hơn sản xuất đại trà 6 tạ/ha, giảm chi phí công lao động 2 triệu đồng/ha. Thông qua mô hình đã liên kết tiêu thụ 100% sản lượng lúa thu hoạch với giá bán cao hơn ngoài mô hình khoảng 1.200 đồng/kg. Hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà khoảng 14 triệu đồng/ha.

Các đại biểu tham quan cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Đột phá trong sản xuất lúa

Ông Nguyễn Hữu Hiệu – cán bộ Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông cho biết, mô hình này tập trung vào 5 đột phá: Quy hoạch vùng sản xuất, sử dụng giống đảm bảo, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đồng bộ cơ giới hoá và liên kết với doanh nghiệp; sản phẩm đầu ra được doanh nghiệp bao tiêu đáp ứng được lượng gạo theo sản xuất hướng hàng hóa, đảm bảo chất lượng, giá thành giảm do không qua các khâu trung gian. Bên cạnh đó, xây dựng cánh đồng lớn sẽ gắn kết và hình thành các tổ chức nông dân theo các hình thức hợp tác phù hợp từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác.

Sự thành công của mô hình cánh đồng lớn thâm canh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa là tiền đề đưa ngành sản xuất lúa gạo phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người trồng lúa, sản xuất tập trung có sản phẩm đồng bộ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu cho hạt gạo Việt Nam. Đây là mô hình điển hình về nâng cao giá trị gia tăng trong thâm canh lúa, có tính đột phá trong việc tổ chức sản xuất với quy mô cánh đồng lớn, sản xuất hàng hóa tập trung cần được nhân rộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, để làm được điều này thì các cấp, các ngành cùng địa phương phải có chính sách hỗ trợ thời điểm ban đầu - ông Trần Văn Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bắc Giang nhận xét.

Hương Giang

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang