Đây là 2 mô hình sinh thái, bền vững, phù hợp với trình độ canh tác và nguồn vốn  đầu tư của đa số nông dân.

Mô hình 3 vụ tôm kết hợp cua, cá

Năm 2017, nông dân huyện Phước Long thả nuôi mô hình này trên diện tích 12.000 ha và có trên 90% số hộ thành công. Năng suất tôm sú đạt từ 350 - 420 kg/ha/năm, lãi từ 100 - 200 triệu đồng/ha/năm. Năng suất cua đạt từ 100 - 120 kg/ha/vụ, lãi từ 10 - 20 triệu đồng/ha/năm. Năng suất cá đạt từ 800 kg/ha/năm.Đây cũng là mô hình sản xuất chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện canh tác của đa số  nông dân có ít vốn sản xuất. Các đối tượng nuôi ghép hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh trưởng và phát triển, thu được nhiều sản phẩm trên cùng diện tích, dễ tiêu thụ sản phẩm và hạn chế được rủi ro.

Ông Ngô Minh Kỷ ở ấp 1 B, xã Phong Thạnh Tây A là một trong những hộ đầu tiên nuôi cua kết hợp với tôm sú ở huyện Phước Long. Với diện tích 02 ha, mỗi năm ông thu trên 300 triệu đồng, trừ chi phí ông lãi trên 200 triệu đồng. Không chỉ ông Kỷ còn rất nhiều hộ trên địa bàn huyện Phước Long khá lên nhờ mô hình tôm - cua - cá. 

Tuy nhiên muốn cho mô hình tôm - cua - cá phát triển và đạt hiệu quả cao thì bà con phải chú ý: Công  trình nuôi phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật; Diện tích nuôi khuyến cáo không quá 1 ha/vuông (ruộng); Mật độ thả ghép thích hợp tính cho 1 ha/vụ như sau: tôm sú: 2-3 con/m2, cua: 1 con/20m2, cá: 0,5con/m2. Đối với tôm thì thả 3 đợt/năm (thả đợt nào thu hoạch dứt điểm đợt đó rồi thả tiếp vụ sau). Cua và cá rô phi thả 1 lần/ năm.

Ngoài ra, để góp phần tăng hiệu quả và hướng đến sự bền vững của mô hình, bà con nên trồng cỏ lông tượng (năng tượng) hoặc các loài cây có giá trị kinh tế sống được trên đất tôm, chiếm khoảng 30% diện tích nuôi để làm nơi cho cua trú ẩn, giúp cải thiện được đáy ao. Không sử dụng thuốc bảo vệ thực thực vật, thuốc cấm trong nuôi trồng thuỷ sản.

Mô hình 2 vụ tôm sú kết hợp cua, 1 vụ lúa kết hợp thả tôm càng xanh, trồng màu trên bờ liếp vuông tôm

Trong năm 2017, huyện Phước Long đã sạ lúa trên đất tôm được 8.950 ha, thả tôm càng xanh xen với lúa được 6.650 ha. Ưu điểm của mô hình này là sản xuất ngắt vụ nên hạn chế được mầm bệnh phát sinh trong ao. Khi sạ lại lúa, lúa sẽ hấp thu các mùn bã hữu cơ trong ao nuôi, các sản phẩm thải của tôm, cá giúp cải tạo lại ao nuôi. Thu hoạch được nhiều loại sản phẩm trên cùng diện tích sản xuất.

Ở mô hình này, từ tháng 1 đến tháng 8 thả 2 vụ tôm sú kết hợp thả cua, tháng 8 chuẩn bị sạ lúa kết hợp thả thả tôm càng xanh. Mật độ thả nuôi áp dụng như sau: tôm sú: từ 2 - 3 con/m2, cua từ 1-2 con/20 m2, tôm càng xanh từ 1 - 2 con/20 m2, lúa sạ: 7 kg/1.000m2. Năng suất tôm sú từ 260 - 280 kg/ha (02 vụ), lãi từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm; Cua đạt từ 100 - 120 kg/ha/vụ, lãi từ 10 - 20 triệu đồng/ha/năm; Lúa bình quân từ  4 - 4,5 tấn/ha, lãi từ 12 - 16 triệu đồng/ha/vụ; Tôm càng xanh từ 100 – 150 kg/ha/vụ, lãi từ 8 - 12 triệu đồng/ha/vụ.

Thu hoạch tôm càng xanh 

Qua số liệu thống kê trên địa bàn huyện có khoảng 20 ha trồng màu trên bờ tập trung chủ yếu ở thị trấn Phước Long, xã Phước Long, Vĩnh Phú Tây. Các đối tượng cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao: khổ qua, bắp, bí đỏ, dưa hấu, đu đủ,... Sau khi trừ chi phí sản xuất mỗi hộ lãi ròng gần 15 triệu đồng/1.000 m2 trong thời gian 3 tháng.

Hiện nay huyện Phước Long đang vận động nông dân bố trí sản xuất theo quy hoạch, đầu tư kỹ thuật, tạo sự phát triển hài hoà, bền vững của mô hình này. Để phát huy lợi thế của mô hình, theo định hướng chung của huyện trong những năm tới cần đánh giá lại tính ổn định và hiệu quả của mô hình này.

Trồng màu trên bờ liếp vuông tôm

Vì vậy, rất cần các cơ quan chức năng rà soát và điều chỉnh quy hoạch hợp lý các vùng tôm – lúa để từ đó có các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp và chính sách tín dụng hỗ trợ cho sản xuất. Khuyến khích và hỗ trợ việc tổ chức sản xuất theo dạng hợp tác giữa những người nuôi trong từng cụm và tăng cường liên kết giữa các bên có liên quan. Tăng cường tập huấn kỹ thuật nuôi tôm trong mối quan hệ với sản xuất lúa, nhất là về quản lý môi trường nước và phòng trị bệnh trên tôm nuôi. Nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp xử lý chất thải, nhất là với sình bùn trong khu vực nuôi tôm. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra chất lượng giống cũng như sự đồng đều của tôm giống.

Các ban ngành, trường, viện có liên quan cần quan tâm nghiên cứu tìm ra các bộ giống lúa có phẩm chất gạo tốt và có khả năng thích nghi ở các vùng sinh thái khác nhau.

Đối với nông dân, cần làm tốt khâu cải tạo vuông (ruộng) nuôi, tăng cường sử dụng cơ giới hóa để giảm bớt áp lực do thiếu lao động. Nên gia cố bờ bao và giảm thẩm lậu để đảm bảo giữ mực nước trên trảng khi nuôi tôm không thấp hơn 40 cm. Mua giống tôm ở các cơ sở sản xuất giống có uy tín, tốt nhất nên thả tôm đã qua xét nghiệm, hạn chế bắt giống bị nhiễm bệnh, làm lây lan dịch bệnh khó kiểm soát. Chỉ nên thả tôm giống 2 lần/năm, với mật độ ≤3 con/m2 khi độ mặn trong ao dưới 3%0, tốt nhất là trên 5%0.Cần nghiên cứu loài và mật độ nuôi ghép cho phù hợp với tôm nuôi. Đồng thời nghiên cứu khả năng áp dụng xen canh kết hợp tôm càng xanh trong vụ lúa. Làm kỹ hơn khâu cải tạo đất trước khi gieo/cấy lúa sẽ mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt chú ý tới rửa mặn cho đất. Độ mặn khi sạ/cấy để lúa phát triển tốt là ở mức thấp dưới 2%0, nhưng độ mặn không vượt quá 1%0 thì tốt cho cả năng suất và lợi nhuận.

Mặc dù nuôi tôm có tác dụng tốt về hữu cơ cho đất nhưng cần quan tâm tới sử dụng vôi và phân vô cơ hợp lý hơn. Lượng vôi bón thêm trước khi làm lúa ở mức hợp lý nhất là 150-160 kg/ha/vụ và lượng phân vô cơ ở mức hợp lý nhất là 50-100 kg/ha/vụ.

Sử dụng một số giống lúa gần đây được khuyến cáo cho mô hình tôm - lúa có khả năng kháng bệnh và chịu mặn, phèn tốt hơn như: Một bụi đỏ, OM4900, B-TE1, OM2517, OM 6600, OM 5954, HR 182...

Người dân cần liên kết/hợp tác để làm đất và gieo/cấy theo lịch đồng loạt. 

Đối với cây màu phải biết nắm bắt thị trường, chọn loại rau màu phù hợp và phải biết kỹ thuật chăm sóc đối với từng loại cây trồng, như vậy mới đảm bảo cho thu nhập như ý muốn.

Hiện nay, 02 mô hình này đang phát triển mạnh mẽ và có sự thành công nhất định. Bà con đã tận dụng tối đa diện tích canh tác kết hợp các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế làm tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời làm giảm thiểu sự rủi ro do độc canh tôm sú.

Trần Thanh Hải

Trạm Khuyến nông huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu