Mô hình này đã được thực hiện ở 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ vụ hè thu năm 2016, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Công ty Phân bón Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh thực hiện.

Mô hình được thực hiện tại ấp Mỹ II, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Việc triển khai thực hiện mô hình là rất cần thiết và phù hợp với nhu cầu sản xuất thực tế của địa phương nhằm chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác mới giúp bà con nông dân ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu ngày một khắc nghiệt, dịch bệnh ngày càng nhiều gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân. Bên cạnh đó, mô hình góp phần giúp người dân dần dần thay đổi tập quán canh tác sạ dày và sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật.

Mô hình được xây dựng 2,5 ha với 5 hộ tham gia, lượng giống gieo sạ 80 kg giống RVT/ha, thực hiện bón lót phân Đầu Trâu mặn phèn, bón thúc các loại phân bón chuyên dùng của công ty CP phân bón Bình Điền và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, tưới tiết kiệm nước…

Kết quả sau hơn 3 tháng thực hiện, lượng giống gieo sạ giảm 40 – 70 kg/ha, lượng phân bón giảm 70 kg phân bón các loại/ha, giảm 1- 2 lần phun thuốc, năng suất tăng 1,26 tấn/ha và hiệu quả kinh tế tăng hơn 5 triệu đồng/ha so với phương pháp canh tác lúa thông thường của nông dân.

Nông dân tham quan mô hình tại ấp Mỹ II, Vĩnh Phú Đông, Phước Long, Bạc Liêu

Ông Lê Hoàng Tám là một trong năm nông dân thực hiện mô hình cho biết phân bón chuyên dùng cho lúa của công ty CP phân bón Bình Điền khá phù hợp với vùng đất tại địa phương nhất là trong điều kiện sản xuất khó khăn như hiện nay. Giảm lượng giống gieo sạ đồng thời sử dụng phân bón chuyên dụng Đầu Trâu phèn mặn, TE A1 và TE A2 giúp giảm sâu bệnh hại, lúa cứng cây chống đổ ngã tốt, cho năng suất cao nông dân rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Phương Hùng – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu cho biết, năm nay trà lúa đông xuân sớm ngay đầu vụ gặp nhiều bất lợi do tình hình thời tiết có những cực đoan cục bộ, lúa trổ có tỷ lệ lép cao, số giờ nắng ít, bệnh lem lép hạt gây hại nặng. Giai đoạn lúa chuẩn bị trỗ nông dân nên sử dụng thêm các sản phẩm chứa canxi, silic đồng thời rút bớt nước phòng ngừa đổ ngã.

Đây là mô hình áp dụng tổng hợp các giải pháp canh tác lúa thông minh để ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng các loại phân bón thế hệ mới phù hợp với điều kiện canh tác khó khăn hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế đồng thời giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường nhằm cải thiện thu nhập cho bà con nông dân và nâng cao kiến thức, trình độ canh tác cho bà con./.

Phùng Như

Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu