Chương trình đã mang đến những tín hiệu khả quan trong việc xây dựng liên kết chuỗi giữa nông dân với doanh nghiệp. Thế nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức cần được giải quyết để việc liên kết sản xuất được bền vững.

Từ tháng 6 – 10/2020, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu đã triển khai thực hiện mô hình trong vụ Hè Thu 2020 quy mô 60 ha trên đất lúa 2 – 3 vụ/năm và 3.500 ha trên vùng đất sản xuất tôm - lúa.

Mô hình tại vùng sản xuất 60 ha trên đất lúa 2 – 3 vụ/năm có sự tham gia của 02 HTX và 03 nhóm nông dân tự phát. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Thủy sản Bạc Liêu đã ký kết hợp đồng bao tiêu 25/60 ha cho nông dân với giá 8.000 đồng/kg. Tuy nhiên, còn nhiều nhóm hộ ở xã Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình), xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) và Phường Láng Tròn (thị xã Giá Rai) không đồng ý sử dụng sản phẩm từ công ty nên không đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, vào thời điểm thu hoạch, xuất hiện mưa lớn và giông lốc liên tiếp trong nhiều ngày làm hạt lúa nảy mầm ngay trên bông nên thương lái từ chối thu mua lúa của nông dân. Do vậy, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu đã vận động thương lái thu mua gần 170 tấn lúa cho bà con với giá 6.000 – 6.500 đồng/kg.

Thu hoạch lúa tại điểm ấp Châu Phú, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình

 

Còn tại vùng sản xuất 3.500ha trên đất tôm - lúa vùng Bắc Quốc lộ 1A, nhiều công ty cũng đã ký kết bao tiêu hơn 3.100 ha cho huyện Hồng Dân, Phước Long. Tổng sản lượng bao tiêu hơn 7.800 tấn. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ tiếp tục phát sinh khúc mắc tại thị xã Giá Rai khi người dân từ chối lấy giống từ Công ty Thiên Lộc Phú.

 

Các đơn vị cung cấp giống và bao tiêu kiểm tra mô hình tại thị xã Giá Rai

Có thể thấy, kế hoạch “Xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng sản xuất giống lúa ST 24, ST 25 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu” đã thu về những kết quả tích cực, tín hiệu khả quan trong việc xây dựng liên kết chuỗi giữa người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều bất cập như: Một số lô giống từ doanh nghiệp chất lượng chưa đạt hoặc thời gian cấp phát giống chưa kịp thời; Việc cấp phát, hỗ trợ thuốc BVTV cho dân còn chậm hoặc lượng thuốc cấp phát chưa phù hợp; Ý thức sản xuất và tuân thủ hợp đồng của người dân chưa cao,...

Các chuyên gia nhận định, để việc bao tiêu sản phẩm được bền vững thì cả doanh nghiệp lẫn người dân cần hướng đến sự cầu thị, sửa đổi trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất.

Dung Ngọc

Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu