Ông Trần Văn Hiển, Giám đốc HTX nông nghiệp rau sạch Hoàng Gia (xã Bình Dương, huyện Gia Bình) cho biết: “Bao năm bôn ba xứ người, lúc nào mình cũng thèm nhìn cánh đồng quê mênh mông bát ngát. Một vài lần về thăm, mình tự hỏi, đất vàng là đây, mà sao người dân quê “nỡ lòng” lại bỏ ruộng. Sau khi khảo sát thị trường, tìm ra tiềm năng lớn về sản phẩm nông nghiệp an toàn, thế là mình quyết tâm quay trở về. Nhưng phải làm nông nghiệp theo dư duy khác, nhất thiết phải đưa những kỹ thuật sản xuất tiên tiến để hồi sinh màu xanh của đất”. Nói là làm, từ kinh nghiệm nhiều năm trồng rau thủy canh ở Hà Nội, đầu năm 2018, ông Hiển cùng với một số người thân và bạn bè thành lập HTX nông nghiệp rau sạch Hoàng Gia. Được tạo điều kiện cho thuê lại 5 ha đất của nông dân, ông huy động vốn đầu tư 8,5 tỷ đồng để cải tạo, lót bạt chứa nước, làm mái che và hệ thống giàn phun sương với diện tích 1,6 ha để thả rau muống theo phương pháp thủy canh, còn lại là khu vực sản xuất phôi giống và một số loại rau khác.

Quy trình trồng rau muống thủy canh tương đối đơn giản, sau khi cấy rau trên đất ruộng, sơ chế và ủ thì cho ra thả trên diện tích nhà mái lót bạt, giữ mức nước từ 40-45 cm. Từ lúc thả đến khi thu hoạch lần đầu chỉ từ 18-21 ngày, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ông Hiển khẳng định: “Làm rau thủy canh không phải lắp đặt, xây dựng quá ghê gớm, chỉ cần có quy trình sản xuất khoa học và kiên trì làm theo một cách tỉ mỉ. Và sau đó thì phải tính toán chi tiết đầu ra, sao cho sản phẩm an toàn, luôn giữ gìn uy tín và đạt giá trị cao nhất”.

Thực tế, ngay từ những mẻ rau đầu tiên của đơn vị đã được các doanh nghiệp từ Bắc Ninh, Hà Nội và những tỉnh lân cận đặt hàng. Với sản lượng 1,5 tấn/ngày, hiện nay khả năng cung ứng của HTX không đủ phục vụ nhu cầu. Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động, đây còn là điểm trình diễn được nhiều người đến học tập. 

Trên đây chỉ là một trong những mô hình xanh “mới nổi” của Gia Bình trong những năm gần đây. Còn người dân địa phương ngày càng “quen mắt” hơn với những thửa cà rốt hàng lối thẳng tắp lên mơn mởn, những ruộng hành, bí quanh năm xanh tốt, người vào mua bán tấp nập. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Đạm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Bình cho biết: “Đời sống sản xuất bây giờ của chúng tôi đã sôi động hơn hẳn rồi. Cách đây vài năm, mặc dù làm nông thật nhưng người dân chẳng thiết tha canh tác, việc trồng trọt không còn sức “hấp dẫn” với đại đa số lao động trẻ, do thu nhập thấp, rủi ro cao. Chúng tôi cũng triển khai nhiều chương trình, kế hoạch vào sản xuất, nhưng rồi nhận ra chỉ có canh tác bằng công nghệ cao, vừa giải quyết vấn đề lao động vừa giải phóng được tài nguyên đất”.

Từ nhận thức ấy, hàng loạt tiến bộ kỹ thuật hiện đại đã được chính quyền và người dân các địa phương ở Gia Bình đồng lòng thử nghiệm quyết liệt. Đến nay, mỗi xã, thị trấn đều có ít nhất 1 mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Nhiều giống cây mới, năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện địa phương được đưa vào như: Mô hình gieo thẳng, tưới nhỏ giọt, sản xuất thủy canh, trình diễn giống lúa mới, xen canh bí các loại, cà chua trái vụ,… Việc thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch cũng ngày càng phổ biến. Toàn huyện có 250 máy làm đất các loại, 80 máy gặt đập liên hợp, 1 máy cấy động cơ và 30 máy cấy tay, 12 máy phun thuốc có động cơ, 2 kho bảo quản nông sản, góp phần bảo đảm cơ giới hóa 100% khâu làm đất và 90% khâu thu hoạch… Nhiều HTX, mô hình trồng trọt vừa sản xuất hiện đại, vừa hình thành được các liên kết theo chuỗi giá trị, điển hình như mô hình của ông Nguyễn Đình Triệu (xã Xuân Lai) trồng 6.000 gốc bưởi da xanh; HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc (xã Lãng Ngâm) có 20 ha sản xuất rau an toàn kèm theo nhà sơ chế; HTX Mỹ Linh sản xuất cà rốt, củ cải đường xuất khẩu tại xã Cao Đức; dự án sản xuất rau an toàn tại thôn Hương Vinh theo công nghệ "nhà màng" với diện tích 5.000 m2… Đồng thời duy trì và phát triển một số mô hình đã phát huy hiệu quả ở các địa phương.

Thu hoạch củ cải đường tại HTX Mỹ Linh, xã Cao Đức, huyện Gia Bình

Với nhiều giải pháp kỹ thuật tích cực, năm 2019, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của Gia Bình đạt 1.229 tỷ đồng. Trong đó, riêng giá trị sản xuất trồng trọt đạt 139 triệu đồng/ha canh tác. Quan trọng hơn, với việc áp dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp ở địa phương thuần nông này được tái cơ cấu mạnh mẽ, gia tăng giá trị kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ vậy, các xã, thị trấn và huyện có thêm nguồn lực để nâng cao các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới.

Trên đà đổi mới đó, năm 2020, Gia Bình đặt mục tiêu xây dựng thành công thêm từ 2-3 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch và xây dựng 1-2 vùng chuyên sản xuất hoa, 80-100 ha sản xuất rau an toàn, rau sạch, rau hữu cơ, để đến hết năm 2020 có 50% diện tích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mở rộng diện tích lúa chất lượng cao vụ Xuân từ 40% diện tích, phấn đấu năng suất lúa cả năm đạt 64 tạ/ha trở lên. Thời gian tới, các ngành chuyên môn của huyện tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ kịp thời, tạo động lực thôi thúc người dân đầu tư trí tuệ và công sức phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, quy mô hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm, để nông nghiệp công nghệ cao chính là bước làm giàu đột phá và bền vững, mang đến cuộc sống ấm no cho người dân Gia Bình.

 Xuân Thủy

Đài Phát thanh huyện Gia Bình, Bắc Ninh