Sống và làm việc tại phường Đình Bảng, TX. Từ Sơn, ông Nguyễn Khắc Mạnh trực tiếp chứng kiến cảnh nhiều hộ dân bỏ không canh tác tại những ruộng xen kẹp giữa các khu công nghiệp, tưới tiêu khó khăn, chuột gây hại nhiều, cấy lúa kém hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên đất trong vài năm trở lại đây. Cuối năm 2017, ông Mạnh đã mạnh dạn thuê lại ruộng của các hộ nông dân tại cánh đồng Bãi Chanh, khu phố Tỉnh Cầu để cải tạo, chuyển đổi sang trồng ớt chỉ thiên với diện tích 4,5 ha để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Do cánh đồng xen kẹp giữa các khu công nghiệp nên buổi đầu trước khi trồng ớt, ông đào giếng khoan, lắp máy bơm để chủ động nguồn nước tưới, đồng thời ông cũng thuê công ty môi trường đến lấy và phân tích mẫu đất, mẫu nước. Khi có kết quả phân tích mẫu đất, mẫu nước đảm bảo các chỉ tiêu để sản xuất rau an toàn, ông mới bắt tay cải tạo đồng ruộng, rắc vôi bột để xử lý đất, xây dựng hệ thống kho chứa nguyên vật liệu và khu tiếp nhận sản phẩm.

Ông Nguyễn Khắc Mạnh bên ruộng ớt của gia đình

Sau gần 3 tháng trồng, hiện mô hình ớt của gia đình ông Mạnh đang trong giai đoạn cho thu hoạch rộ, với 4,5 ha, mỗi ngày gia đình ông thu được trên 700 kg quả. Ông dự kiến vụ ớt này cho năng suất khoảng 25 tấn/ha, với giá bán 1 kg ớt tươi hiện nay từ 15.000 - 17.000 đồng, sau khi trừ chi phí, cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/ha, cao gấp 5- 6 lần trồng lúa và tạo việc làm cho hàng chục lao động phổ thông với mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Mạnh chia sẻ: Để trồng ớt xuất khẩu trước hết cần phải lựa chọn giống tốt, nắm vững quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và đặc biệt là phải đảm bảo thời gian cách ly. “Những năm trước đây, tôi cũng trồng ớt trên diện tích ruộng của gia đình mình và tiến hành trồng thử nghiệm nhiều giống ớt để đánh giá tính thích ứng của giống với chất đất, điều kiện canh tác tại địa phương cũng như hiệu quả kinh tế của giống mới mang lại. Qua nhiều vụ thử nghiệm, tôi đã lựa chọn giống ớt chỉ thiên Tiela và Demon để sản xuất phục vụ xuất khẩu vì 2 giống này sinh trưởng, phát triển khỏe, chất lượng cao, màu sắc quả đỏ, đẹp, cay thơm, được thị trường ưa chuộng. Riêng giống ớt Tiela có đặc điểm nổi trội là khả năng chịu nhiệt tốt, trồng được trái vụ, nhiều cành nhánh, quả gối lứa đều, cho thời gian thu hoạch dài, có khả năng chống chịu tốt với bệnh thán thư”, ông Mạnh nói.

Để ớt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, gia đình ông Mạnh đã sản xuất ớt theo quy trình VietGAP từ khâu phân tích mẫu đất, mẫu nước cho đến khâu ghi chép, lưu trữ hồ sơ về tên giống, ngày trồng, tên các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng cũng như liều lượng và thời điểm sử dụng, ngày thu hoạch để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Ông Mạnh cũng cho biết thêm: “So với nhiều loại cây trồng khác thì cây ớt bị bệnh hại nhiều hơn là sâu hại và bệnh hại diễn ra trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển, từ giai đoạn cây con cho đến khi thu hoạch, bệnh hại từ rễ, cổ rễ đến thân, lá và quả. Vì vậy, khâu phòng bệnh là rất quan trọng; trong quá trình sản xuất gia đình tôi đã thử nghiệm chế phẩm nano, kết quả bước đầu cho thấy cây sinh trưởng phát triển nhanh, phân nhiều cành nhánh, tăng khả năng chống chịu với các bệnh hại do nấm, vi khuẩn, virus như bệnh héo rũ gốc mốc trắng, thán thư, héo xanh vi khuẩn, xoăn lá do virus, đặc biệt là khi sử dụng bộ kít để kiểm tra không có tồn dư các chất độc hại trên quả sau thu hoạch”. Vì vậy, ngay từ đầu vụ sản xuất các công ty kinh doanh nông sản tại Hà Nội, Hải Dương đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, gia đình ông dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất ớt trong các vụ tiếp theo.

Với những hiệu quả bước đầu mang lại, mô hình trồng ớt xuất khẩu không những nâng cao thu nhập cho người sản xuất mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chuyển dịch sản xuất trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện hiệu quả cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nguyễn Quỳnh Trang

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Ninh