Từ tiềm năng, thế mạnh, tỉnh xác định mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị của nuôi trồng thủy sản thông qua việc quy hoạch vùng nuôi, lựa chọn đối tượng nuôi trồng phù hợp; đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh… giúp người dân sản xuất thuận lợi, nâng cao năng suất và sản lượng.

Với những giải pháp đồng bộ, chính sách hỗ trợ thiết thực, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong những năm gần đây đang có sự phát triển ổn định, trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quan trọng. Năm 2018, toàn tỉnh có 5.192 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, cho sản lượng 37.210,4 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, sản lượng cá đạt 36.048 tấn, tăng 0,5%; sản lượng tôm đạt 280 tấn; sản lượng thủy sản khác đạt 882,4 tấn. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh còn được minh chứng qua các mô hình sản xuất hiệu quả và được nhân rộng trên địa bàn như: Mô hình nuôi cá cá trắm, cá chép thương phẩm có giá trị kinh tế cao với 2.345,5ha; Mô hình nuôi cá trôi đạt 938,2 ha, cá mè đạt 562,8, cá rô phi đạt 443,6 ha...

Điều ghi nhận của nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương trong tỉnh thời gian gần đây, chính là việc người dân có ý thức hơn trong việc lựa chọn con giống, cải tạo ao, hồ nuôi và có trách nhiệm giữ gìn môi trường chung nên tình hình được cải thiện rõ rệt, năng suất qua mỗi vụ thu hoạch đều tăng. Ngoài ra, các hộ nuôi còn mạnh dạn đầu tư áp dụng mô hình nuôi khép kín, sử dụng công nghệ sục khí liên hoàn, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Đến nay đã có 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP, thu nhập khoảng 250 triệu đồng/ha/năm. Tỉnh cũng đang xây dựng mô hình thủy sản ứng dụng công nghệ cao mới như: nuôi cá “sông trong ao”, năng suất dự kiến đạt 20-30 tấn/ha, công nghệ sinh học Biofloc (cân bằng nitơ, cacbon), nuôi thương phẩm cá rô phi siêu thâm canh trong ao đất lót bạt…

Về nuôi cá lồng trên sông, toàn tỉnh hiện có 127 cơ sở nuôi cá lồng với tổng số 1.737 lồng cho sản lượng 5.170 tấn, bình quân mỗi cơ sở nuôi 14 chiếc lồng, tổng thể tích lồng đạt  183.166 m3, bình quân mỗi lồng đạt gần 110m3. Sản phẩm chủ yếu nuôi lồng là các loại cá như: cá trắm, cá chép,cá rô phi, cá diêu hồng và cá lăng cho năng suất và giá trị kinh tế cao mở ra hướng phát triển nhiều tiềm năng cho ngành thuỷ sản của tỉnh... Điển hình như huyện Lương Tài là địa phương khai thác rất tốt mặt nước sông Thái Bình để nuôi trồng thủy sản, với diện tích là 1.350 ha, trong đó có hơn 600 lồng nuôi cá, cho sản lượng hằng năm hơn 12 nghìn tấn, chiếm 32% sản lượng của toàn tỉnh. Gia đình anh Phạm Văn Bôn ở xã Trung Kênh (huyện Lương Tài) hiện có 77 lồng cá, trong đó, chủ yếu là cá chép, cá điêu hồng, cá trắm cỏ, cá lăng. Mỗi vụ gia đình anh Bôn thu hoạch trung bình khoảng 4 tấn/lồng; trừ chi phí mua giống, thức ăn chăn nuôi, anh Bôn thu lãi khoảng hai tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, hoạt động hiệu quả của các cơ sở, công ty sản xuất giống thủy sản cũng góp phần đáng kể trong việc cung cấp giống chất lượng cao cho người nuôi ở địa phương, với diện tích 170 ha chuyên sản xuất cá giống toàn tỉnh, năm qua đã cho sản lượng sản xuất giống thủy sản đạt 1.039 triệu con… Giá cả các mặt hàng thủy sản luôn ở mức cao và ổn định, tạo tâm lý phấn khởi cho hộ nuôi.

Mặc dù đạt được kết quả nhất định, nhưng thực tế cho thấy nuôi trồng thủy sản ở Bắc Ninh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là sản xuất manh mún, thiếu liên tục, chưa chủ động được thời vụ, năng suất mang lại chưa đạt cao như mong đợi so với tiềm năng của tỉnh. Các mầm bệnh lây lan trong vùng nuôi rất khó trị, chất lượng con giống, thức ăn và nguồn nước kém, dư lượng hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm ngày càng cao nên đã ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản...

Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển hơn nữa, trong thời gian tới, chủ trương của tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao chất lượng con giống; sẽ lựa chọn các đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao và phù hợp điều kiện môi trường của từng vùng nuôi; nâng cao trình độ kỹ thuật và ý thức bảo vệ môi trường cho người nuôi thuỷ sản và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thuỷ sản... Vận động, khuyến khích người dân ứng dụng quy trình nuôi an toàn, khắc phục hiện trạng ô nhiễm môi trường nước, bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản trên địa bàn… giúp giảm thiểu rủi ro, góp phần ổn định đầu ra, đem lại hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo phát triển bền vững, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản thu hoạch trên một đơn vị diện tích. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đầu mối như: nạo vét kênh mương; nâng cấp trạm bơm; xây dựng các tuyến đường giao thông phục vụ cho sản xuất tại vùng nuôi thuỷ sản tập trung. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân vay vốn từ Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN và PTNT để đầu tư, cải tạo, kiên cố hoá bờ ao, trang bị máy móc phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản./.

Khổng Văn Thắng

Cục Thống kê Bắc Ninh