Tính đến hiện nay, toàn tỉnh Bình Định có trên 110 trang trại nuôi lợn quy mô lớn, trong đó có khoảng 14 trang trại được đầu tư theo hướng công nghệ cao, tập trung ở các huyện Hoài Ân, Phù Cát và TX. An Nhơn (tỉnh Bình Định). Hiện nay ngành Nông nghiệp đang xúc tiến xây dựng Đề án quy hoạch vùng chăn nuôi lợn tập trung theo công nghệ cao tại xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) và một số vùng khác, phấn đấu đến năm 2025, Bình Định phát triển ngành chăn nuôi lợn nhằm ổn định sản xuất, phòng chống dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định, cho biết: “Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định cũng như ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang tích cực vận động các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phát triển chăn nuôi công nghệ cao theo hướng giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, chủ động phòng trừ dịch bệnh và an toàn thực phẩm; từng bước giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo các quy định về môi trường và phòng trừ dịch bệnh”.

Một trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, Bình Định

 

Nuôi lợn công nghệ cao là hình thức chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng nhiều biện pháp chăn nuôi tiên tiến, hiện đại nhằm thúc đẩy quá trình tăng trưởng của lợn, kiểm soát tốt dịch bệnh, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Nuôi lợn theo hình thức này, người chăn nuôi sẽ phải thực hiện nghiêm tất cả các khâu từ chọn con giống, quy trình chăm sóc, lựa chọn thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, hệ thống chuồng trại và các trang thiết bị, quy định cách ly…

Đặc biệt, hầu hết các trang trại chăn nuôi lợn chất lượng cao trong tỉnh đều liên kết với các công ty cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm, do vậy mà hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi lợn công nghệ cao luôn cao hơn khá nhiều so với chăn nuôi lợn truyền thống.

Trong tình hình chăn nuôi lợn tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, giá cả bấp bênh như hiện nay thì hình thức nuôi lợn quy mô lớn theo hướng công nghệ cao là giải pháp an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, để xây dựng các trang trại như vậy đòi hỏi người chăn nuôi phải đầu tư lớn về tiền vốn, mặt bằng... Điều này lý giải vì sao số lượng mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao vẫn còn rất khiêm tốn. Chính quyền tỉnh Bình Định khuyến khích các doanh nghiệp lớn liên kết chăn nuôi, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Từ đây, bà con có thể dần thay đổi tập quán chăn nuôi, tiếp cận dần với khoa học kỹ thuật và có đầu ra ổn định.

Đinh Văn Toại

Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định