Được biết, trước đây bà con trồng thanh long trong vùng rất chán nản bởi bệnh đốm nâu hoành hành mà không có thuốc chữa trị, sản phẩm thanh long khó tiêu thụ dẫn đến thu nhập bấp bênh, thậm chí thua lỗ.

Thực hiện mô hình, bà con đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên tỷ lệ bệnh chỉ còn dưới 10%, số trái bị bệnh này lại nằm trong 20% hàng dạt của bà con. Như vậy một lứa xuất bán, bà con xuất hàng tới 80% sản lượng thu họach. Từ những kết quả này, nông dân trồng thanh long rất vui mừng. Nhiều hộ trồng thanh long xung quanh đãhọc tập kinh nghiệm và làm theo.

Phát biểu tại buổi hội thảo tổng kết mô hình tại xã Hàm Trí, ông Lê Thanh An – Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Trí nhấn mạnh: “Mô hình có ý nghĩa vô cùng lớn, đem lại lợi ích rõ rệt cho người trồng thanh long, giảm đáng kể nấm bệnh, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời tạo thói quen chú trọng việc vệ sinh vườn và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong canh tác”.

Cũng tại buổi tổng kết mô hình, các hộ thực hiện đã hạch toán kinh tế cho 1 ha thanh long (1.300 trụ). Theo đó, mô hình cho năng suất 35 tấn quả, với giá bán trung bình 9.000 đồng/kg, mô hình thu lợi nhuận hơn 146 triệu đồng, so với ngoài mô hình là 96 triệu đồng.

Lão nông Trương Văn Ba tại thôn Phú Hòa, xã Hàm Trí là một trong 31 hộ tham gia mô hình cho biết, vợ chồng ông đang chăm sóc 360 trụ thanh long. Từ khi tham gia mô hình, tỷ lệ bệnh đốm nâu trên cành giảm còn 20%, trên trái còn 10%, so với trước đây tỷ lệ này từ 30 – 40%. Bên cạnh đó năng suất cũng tăng lên đáng kể. Ông chia sẻ với 2 vụ chong đèn thu họach vừa qua cho năng suất 9 tấn trái, với giá bán bình quân 13.000 đồng/kg, ước lợi nhuận 60 triệu đồng.

Đây là mô hình điểm để cộng đồng trồng thanh long học tập và trao đổi kinh nghiệm, cùng giúp nhau phòng chống dịch bệnh trên cây thanh long, tăng năng suất, tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình và quê hương.

MS