Những năm trước đây, do còn nhiều hạn chế trong canh tác, diện tích cấy lúa Chiêm Xuân của xã Nậm Mòn rất ít, chỉ khoảng trên dưới 10 ha, tuy nhiên đến năm 2018 này, diện tích lúa Chiêm đã tăng lên gấp 5 lần, ở mức 52 ha, nhờ đã tăng thêm được một vụ. Còn với diện tích ngô, đến nay bà con nhân dân địa phương cũng đã trồng được 3 vụ/năm, diện tích ngô chính vụ năm 2018 khoảng 380 ha. Cấp ủy chính quyền địa phương còn vận động bà con 10 thôn, bản thực hiện mở rộng diện tích trồng lạc đỏ, đỗ đen… Chính điều này đã giúp xã vùng cao thuộc diện khó khăn này có những “ bứt phá” mới trong tận dụng diện tích quỹ đất nông nghiệp để nâng cao thu nhập. Nhưng có lẽ nổi bất nhất với Nậm Mòn chính là việc trồng, mở rộng diện tích cây ớt gắn với xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, nhờ định hướng tốt, xã đã có trên 39 ha ớt đang cho thu hoạch, được trồng rải rác tại 9/10 thôn, bản…trong đó, nhiều nhất tại 2 thôn Lèng Phàng và Làng Mương.

Cây ớt khá thích hợp với đồng đất Nậm Mòn

Ông Vàng Văn Hợi, bí thư đảng ủy xã Nậm Mòn phấn khởi cho biết: “Thực tế canh tác đã minh chứng, cây ớt tỏ ra khá phù hợp với đồng đất Nậm Mòn, nhất là năm nay thời tiết tương đối thuận lợi nên cây sai quả, đến nay đã cho thu hoạch. Hiệu quả kinh tế mà cây ớt mang lại cao hơn nhiều lần so với cấy lúa, trồng ngô… Tuy nhiên để canh tác hiệu quả, quan trọng nhất bà con cần lựa chọn giống tốt, biết cách phòng chống dịch bệnh trên cây ớt ở thời điểm ra hoa, đậu quả…”.

Cuối năm 2017, gia đình chị Vàng Thị Thơi, ở thôn Lèng Phàng, xã Nậm Mòn đã thí điểm chuyển đổi một phần diện tích đất nương đồi kém hiệu quả sang trồng ớt. Chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết: “ Toàn bộ giống ớt được lấy từ huyện Mường Khương, ngay từ đầu gia đình chọn lựa kĩ càng… nên khá yên tâm về chất lượng giống, thêm nữa do được trồng, chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật theo hướng dẫn nên cây ớt phát triển tốt và rất sai quả. Phấn khởi nhất là hiện nay, toàn bộ lượng quả được bán cho đơn vị chuyên thu mua và chế biến thành sản phẩm tương ớt truyền thống, mà trực tiếp do chính quyền xã Nậm Mòn đứng ra ký kết, bao tiêu sản phẩm nên gia đình rất yên tâm”.

Năm nay, cây ớt cho thu hoạch quả từ đầu tháng 8 đến tháng 10 dương lịch. Thời điểm này, bà con các thôn ở xã vùng cao Nậm Mòn đang chính vụ thu hoạch ớt quả tươi. Với trên 3.000 cây ớt đang cho thu hoạch, chị Thơi  cho biết: “Do gia đình neo người nên khi ớt chín rộ cần huy động anh em đổi công cho nhau”. Hiện không chỉ trồng ớt, chị Thơi còn trồng thêm 2 loại cây ăn quả khác là ổi và mận. Thực tế sản xuất cũng cho thấy, các cây trồng này khá phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng của địa phương và có thể mở rộng diện tích. Gia đình chị cũng kết hợp trồng trọt với nuôi trâu sinh sản, trồng giống ngô vàng hàng hóa để phát triển chăn nuôi. Chính cách làm hiệu quả này đã mang lại nguồn thu từ 100- 150 triệu đồng/năm cho gia đình chị.

Phát triển kinh tế từ lợi thế sẵn có của địa phương đã và đang được nhiều hộ dân ở Nậm Mòn áp dụng để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đơn cử như vợ chồng ông Vàng Văn Cường (61 tuổi), bà Nguyễn Thị Tròn (60 tuổi), ở thôn Cốc Cài Thượng, do điều kiện đất đồi rừng nằm ở vị trí cao, không thể chủ động nguồn nước tưới, do đó gia đình đã quyết định dành quỹ đất trên để trồng quế và thông. Bà Tròn cho biết: “Đến nay toàn bộ diện tích quế đã được gần 3 năm tuổi, đang sinh trưởng và phát triển rất tốt. Riêng với trên 2 ha thông, nhiều cây đã đã đến thời kì thu hoạch, hứa hẹn một khoản thu không nhỏ trong tương lai”.

Với mục tiêu từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân địa phương, Đảng ủy xã Nậm Mòn đã xây dựng và triển khai nghị quyết chuyên đề về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ... Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, 2 cây trồng tiềm năng là cây ớt và cây quế đang được khuyến khích mở rộng sản xuất; tính đến nay, xã đã trồng mới trên 300 ha quế, dự kiến đến hết năm 2018 sẽ trồng mới trên 90 ha quế.

Để giúp địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, cấp ủy chính quyền xã Nậm Mòn, một mặt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, cử cán bộ tăng cường hướng dẫn kỹthuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng. Mặt khác, địa phương cũng đứng ra làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con nhân dân, nhất là với sản phẩm quả ớt tươi. Cách làm này đã giúp bà con yên tâm sản xuất, gắn bó với đồng đất quê hương hơn.

Cùng với phát huy lợi thế từ canh tác 2 loại cây trồng trên, Nậm Mòn đang “định hướng”… mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, để hình thành vùng chuyên canh như bưởi, ổi và mận Tam Hoa…  quy mô khoảng 60 ha tại một số thôn, bản có điều kiện thuận lợi.

Những nỗ lực của Nậm Mòn trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng… đã và đang là hướng đi đúng đắn, phù hợp, thể hiện quyết tâm cao của đảng ủy, chính quyền địa phương nhằm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao giá trị sản xuất cũng như thu nhập cho bà con nông dân địa phương. Đây cũng là những điều kiện quan trọng, tiên quyết để Nậm Mòn từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, phấn đấu đạt mục tiêu xây dựng xã chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020 theo đúng tiến độ đề ra./.

                                                                      Khuất Linh

Đài TT-TH huyện Bắc Hà, Lào Cai