Liêm Sơn là một xã thuần nông, ở đây người nông dân và cán bộ của 2 HTX DVNN rất nhạy bén trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Là một trong những xã đi đầu của huyện Thanh Liêm ứng dụng gieo thẳng vào sản xuất lúa từ những năm 2007. Sau đó diện tích lúa gieo thẳng của toàn xã dần dần lên tới 100%. Biện pháp kỹ thuật gieo thẳng đã giúp cho bà con nông dân của Liêm Sơn tiết kiệm được khá nhiều công lao động và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây tay truyền thống. Tuy nhiên qua nhiều năm triển khai biện pháp này bà con đã không còn tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật cũng như quá lạm dụng giống và thuốc trừ cỏ, do đó hiệu quả kinh tế của phương pháp này đã giảm lại kéo theo hệ lụy về môi trường và một loại dịch hại mới phát sinh mạnh tại địa phương, gây ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất lúa (xung quanh 30%) trên những chân đất cao, đó chính là “lúa cỏ” hay còn gọi là “lúa ma”. Ở thôn Trọng Nội Lẻ – HTX DVNN Bắc Sơn – xã Liêm Sơn có một số ruộng chân cao thậm chí mất đến 100% năng suất (vụ xuân 2020) vì “lúa cỏ”, làm cho người dân rất nản lòng.

Để giải quyết vấn nạn “lúa cỏ” bà con bắt buộc phải chuyển đổi phương thức sản xuất từ gieo sạ sang cấy vì khi cấy giữ nước ngay từ đầu vụ vì thế “lúa cỏ” không thể phát triển được. Thế nhưng sau bao năm gieo sạ người nông dân vô cùng khó quay lại cấy tay nên đó không phải là biện pháp khả thi và chỉ có cấy máy mới có thể giải quyết được vấn đề này.

Sau khi nắm bắt được tình hình của địa phương, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Hà Nam đã giúp Ban quản trị HTX kết nối với tổ dịch vụ phát triển mạ khay tại xã An Đổ – huyện Bình Lục là một trong những đơn vị thực hiện mô hình phát triển tổ dịch vụ mạ khay năm 2021 thuộc Đề án “Phát triển tổ dịch vụ mạ khay cấy máy giai đoạn 2020 – 2023”. Đích thân đồng chí Giám đốc HTX Đoàn Ngọc Thành đã xuống đơn vị làm mạ khay cấy máy tham quan và về địa phương họp bàn trong Ban quản trị, cán bộ thôn đội và các hộ nông dân thôn Trọng Nội Lẻ nơi có nhiều “lúa cỏ” gây hại nhất. Nhiều cuộc họp đi qua với sự nhiệt huyết của Ban quản trị HTX, cán bộ thôn. Cuối cùng đưa cấy máy vào sản xuất đã được sự nhất trí cao của bà con.

Ngày đầu mới cấy chúng tôi cũng có mặt cùng rất đông các bác nông dân đã tập trung tại đầu bờ để kiểm chứng phương pháp cấy mới này. Người người háo hức chờ đợi những khóm lúa được dúi xuống từ chiếc máy bằng sắt kia. Tuy nhiên cũng còn một số bà con nôn nóng do khoảng cách cấy máy quá thưa so với cách gieo sạ cũ nên muốn dặm ngay. Phải sau khi được cán bộ kỹ thuật TTKN và cán bộ HTX giải thích, bà con đã tiếp thu và chăm sóc ruộng lúa theo đúng kỹ thuật.

Đến nay lúa đang trong giai đoạn phát triển đòng, cụm lúa to và không còn nhìn thấy đất thừa nữa, bà con nông dân rất phấn khởi vì lúa tốt, không còn “lúa cỏ” và không phải khoác bình như các vụ trước.

Giám đốc HTX Thành vui vẻ nói với chúng tôi khi đến một khu ruộng rộng:  “Đây là ruộng nhà chú đấy, mọi năm đến thời điểm này là chú phải phun 4 lần thuốc rồi, 1 lần thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm, 2 lần thuốc trừ cỏ hậu nẩy mầm và 1 lần thuốc khô vằn, lại còn phải đi nhổ lúa cỏ nữa. Nhưng năm nay chú chưa phun gì cả, ruộng lúa vẫn sạch và không có cây lúa cỏ nào. Cả ruộng bằng chằn chặn, đẹp quá cháu ạ”.

Câu chuyện của chú Thành bị ngắt quãng khi có 1 bác gái đi thăm đồng về qua và cùng tham gia vào với chúng tôi. Bác bảo: “Năm nay đỡ chuột lắm, lại ít sâu bệnh hại vì lúa cấy máy thông thoáng, cây lúa phát triển khỏe, không còn phải nai lưng đi làm lúa cỏ như những năm trước nữa… Năm sau lại cấy máy đấy ông Thành nhé!”.

Ra về mà trong lòng tôi vẫn mang theo cảm xúc hạnh phúc vì chúng tôi - những người cán bộ khuyến nông đã và đang thực hiện chương trình dự án phát triển tổ dịch vụ mạ khay cấy máy giai đoạn 2020 – 2023 cũng chỉ mong người nông dân trong tỉnh được áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới để giảm đi những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt và những lời ca “cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy” chỉ còn là huyền thoại.

 Nguyễn Như Quỳnh

Trung Tâm Khuyến Nông Hà Nam