Trong cuộc trò chuyện được anh cho biết, với diện tích trồng lúa 2 sào trung bộ (1.000m2) nếu canh tác cây lúa anh chỉ có thể hòa vốn, may ra phần lãi chỉ là cọng rơm, cọng rạ để tận dụng phục vụ chăn nuôi trâu bò cho gia đình. Đặc biệt trong những năm gần đây do hạn hán thường xuyên xảy ra  nên nếu trồng lúa ở vụ Hè Thu thì thường xuyên thiếu nước tưới cho cây lúa. Vì thế anh Phước đã chủ động chuyển đổi sang một số đối tượng cây trồng cạn để hạn chế việc tưới nước cũng như sự tác động bất thường của thời tiết mà vẫn mang lại năng suất và thu nhập cao cho gia đình.

Anh Phước đang thu hoạch đậu cô-ve

 

Những năm gần đây gia đình anh trồng cây đậu cô-ve, cây khổ qua… và hầu như năm nào cũng đạt năng suất cao lại không lo thiếu nước tưới như trồng lúa. Khi tôi đến thăm mô hình trồng đậu cô-ve của anh Phước cũng là giữa mùa đại dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản bị ế ẩm hoặc bị thương lái ép giá vì không có thị trường tiêu thụ, thì ở đây đậu cô-ve hái đến đâu thương lái đến tận vườn thu mua đến đó với giá thu mua rất ổn định.

Lý giải cho hiện tượng đó, anh Phước không ngần ngại chia sẻ, theo thói quen của nhà nông, cây đậu cô-ve thường chỉ canh tác ở vụ Đông Xuân chủ yếu phục vụ cho thị trường tết, còn vụ Xuân Hè và Hè Thu rất ít người trồng. Vì thế nhu cầu cung của thị trường ở các vụ này thường rất cao. Nắm bắt được điều này, anh Phước trồng thử nghiệm và đã thắng lớn nhiều năm liên tiếp. Chẳng hạn như năm nay, 1.000m2 trồng đậu cô-ve của anh dự kiến cho sản lượng tầm 2,5 tấn. Với giá bán 10.000 đồng/kg, trừ hết chi phí gia đình anh Phước có lãi trên 20 triệu đồng. Nếu so với trồng lúa thì lợi nhuận gấp 10 lần, đặc biệt trồng các loại cây trồng cạn kỹ thuật trồng và chăm sóc khá đơn giản, không tốn nhiều nước tưới nên không phải lo thiếu nước mỗi khi hạn hán.

Đậu được hái đến đâu, thương lái thu mua đến đó

 

Được biết, trên địa bàn huyện Tuy An hiện nay có một số diện tích trồng lúa thường xuyên thiếu nước để canh tác, nhất là vụ Hè thu, vì vậy Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khuyến cáo bà con nông dân đối với những diện tích trồng lúa không mang lại hiệu quả do hạn hán thiếu nước tưới thì chủ động chuyển sang canh tác các đối tượng cây trồng cạn khác như đậu đỗ, ngô, rau… mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

Anh Phước luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con quanh vùng mỗi khi bà con đến học tập mô hình. Đây là một mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu cần nhân rộng giúp bà con có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Lê Hữu Phúc

Trạm Khuyến nông Tuy An, Phú Yên