Ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; ông Nguyễn Hữu Trượng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh đồng chủ trì Diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn có đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Vụ Tài chính; các tổ chức khoa học công nghệ thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư thuộc 22 tỉnh phía Bắc; đại diện một số ngư dân, hiệp hội, cơ sở sản xuất, doanh nghiêp kinh doanh lĩnh vực thủy sản.

Diễn đàn nhằm phổ biến, giới thiệu các tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) về nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác xa bờ phù hợp với điều kiện sản xuất ở khu vực miền Bắc; đồng thời phổ biến, hướng dẫn thực hiện chính sách của Nhà nước về chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ để huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân cho hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp giới thiệu một số sản phẩm phục vụ cho quá trình sản xuất của người nuôi, nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Tại Diễn đàn, đại diện các đơn vị đã trình bày báo cáo tham luận về kết quả nghiên cứu, hoạt động chuyển giao KHCN trong nuôi trồng và khai thác thủy hải sản của đơn vị.

Giới thiệu một số kết quả hoạt động khuyến ngư ở miền Bắc, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Trong những năm qua, Trung tâm khuyến nông Quốc gia đã đảm nhiệm tốt vai trò là cầu nối giữa khoa học với sản xuất, thực hiện tốt công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã với 12 mô hình nuôi trồng và khai thác thủy hải sản ở các tỉnh phía Bắc: mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP; mô hình phát triển nuôi cá lúa; mô hình nuôi cá hồi, cá tầm trong bể; mô hình nuôi cá lồng hồ chứa; mô hình nuôi nuôi cá rô phi thương phẩm trong lồng, bè tại hồ thủy điện Sơn La; mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP; dự án phát triển mô hình sản xuất ngao giống; mô hình nuôi luân canh tôm sú - rong câu; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt năng suất cao vụ thu đông; dự án nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo an toàn thực phẩm; mô hình ứng dụng vật liệu Polyurethane cho hầm bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ.

Ông Kim Văn Tiêu giới thiệu một số kết quả hoạt động khuyến ngư ở miền Bắc

Là đơn vị triển khai  nhiều nhiệm vụ, đề tài khoa học công nghệ  cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở, cấp tỉnh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 đã trình bày một số kết quả nghiên cứu và chuyển giao KHCN, điển hình như: tiến bộ kỹ thuật sản xuất ngao quy mô lớn; tiến bộ kỹ thuật công nghệ Biofloc nuôi tôm chân trắng; quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chạch sông tại Hưng Yên; công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá bỗng ở tỉnh Phú Thọ; công nghệ chọn tạo giống cá rô phi đỏ tăng trưởng nhanh…

Trường cao đẳng kinh tế và kỹ thuật Thủy sản giới thiệu về ứng dụng công nghệ Biofloc của Israel trong nuôi siêu thâm canh cá rô phi; công nghệ sản xuất giống sá sùng; công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm ngao giá.

Viện nghiên cứu Hải sản giới thiệu công nghệ khai thác cá ngừ bằng lưới vây đuôi; chụp mực bốn tăng gông chuyển giao ở Bình Thuận; ứng dụng tời thủy lực trên tàu chụp mực; lưới vây kết hợp máy dò cá ngang cho năng suất 5,3 tấn/mẻ; ứng dụng hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới chụp ở vùng biển xa bờ ở Việt Nam; công nghệ bảo quản thủy sản bằng công nghệ NANO (nâng cao chất lượng cá ngừ); bảo quản thủy sản bằng công nghệ lạnh hỗn hợp trên tàu lưới kéo xa bờ; bảo quản mực ống bằng công nghệ lạnh ngâm kết hợp phụ gia thực phẩm…

Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh trình bày về kết quả triển khai kế hoạch ứng dụng, chuyển giao KHCN thủy sản tại tỉnh Bắc Ninh; Học Viện Nông nghiệp Việt Nam báo cáo về tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi ở miền Bắc và biện pháp phòng trị.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp điển hình cũng giới thiệu về những công nghệ mới đã được ứng dụng, triển khai có hiệu quả cao trong sản xuất, điển hình như: Công nghệ sử dụng ao ương nổi và hệ thống nuôi thuỷ sản trong nhà kính của Công ty TNHH Aqua Mina; công nghệ nuôi cá lồng trên hồ chứa của Tập đoàn Mavin; hệ thống nuôi cá sông trong ao của Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Xuyên Việt; sử dụng đèn Led trên tàu khai thác hải sản xa bờ của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; giải pháp tăng oxy hoà tan trong nước phục vụ nuôi thuỷ sản và xử lý nước thải của Công ty Daiei - Nhật Bản; một số giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác trên tàu cá ở miền Bắc của chuyên gia thủy sản của Jica; quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng trong hệ nuôi khép kín của Công ty TNHH De Heus - Việt Nam.

Diễn đàn đã diễn ra sôi nổi với nhiều thông tin, trao đổi, chia sẻ và các báo cáo tham luận đề cập sâu về các tiến bộ kỹ thuật cũng như các giải pháp thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ nổi bật trong lĩnh vực thủy sản; đồng thời nêu một số khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện. Qua đó, Ban chủ tọa đã tổng kết các ý kiến và đưa ra đề xuất như sau:

1. Đối với viện, trường, các trung tâm thủy sản: Tiếp tục nghiên cứu các giống tôm, cá sạch bệnh, tiến tới kháng bệnh nhằm đảm bảo chất lượng, tăng trưởng nhanh, giảm chi phí. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu tạo ra các giống mới có giá trị kinh tế cao được thị trường ưa chuộng để đảm bảo cung ứng cho người nuôi.

2. Đối với các chi cục thủy sản, chi cục chăn nuôi và thú y: Tiếp tục tăng cường quản lý con giống, thức ăn, dịch bệnh, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường nhằm ổn định sản xuất tại địa phương.

3. Đối với trung tâm khuyến nông các tỉnh tiếp tục xây dựng các mô hình mới hiệu quả. Kết hợp xây dựng mô hình với thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, với phương châm 1 người làm 1.000 người biết, 100 hộ học tập làm theo.

4. Đối với các doanh nghiệp: Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để chuyển giao cho nông ngư dân. Tiếp tục liên kết với nông dân theo chuỗi để tạo thành hàng hóa lớn nhằm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

5. Đối với các cơ quan thông tấn báo chí: Tiếp tục thông tin tuyên truyền các mô hình hiệu quả, các tiến bộ kỹ thuật để chuyển giao nhanh cho nông ngư dân.

Nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực thủy sản được giới thiệu tại Diễn đàn lần này đã được các đại biểu đánh giá là có khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao, đáp ứng được nhu cầu của sản xuất, nguyện vọng của nông ngư dân nuôi trồng, khai thác thủy hải sản trong cả nước. Hy vọng những tiến bộ kỹ thuật mới đó có thể ứng dụng nhanh vào thực tiễn sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo kết quả tăng trưởng của ngành, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản./.

Nguyễn Thị Mai

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh