Một trong số những hộ tiên phong trồng nấm là anh Nguyễn Văn Đồng tại thôn Bầu Zút với 2 loại nấm dược liệu là nấm mối đen và linh chi đỏ. Để thực hiện mô hình anh đã đăng ký tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm, đồng thời tham quan học hỏi kinh nghiệm ở nhiều trại nấm lớn. Anh Đồng đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng trại nuôi trồng nấm rộng 500 m2, bao gồm nhà xưởng, nhà nuôi phôi, lò hấp, khu đóng gói… Mô hình hoàn toàn khép kín, sử dụng hệ thống làm mát tự động để cân đối nhiệt độ và phun sương, đảm bảo nhiệt độ phòng luôn ở mức 26-28 độ C, thích hợp cho nấm sinh trưởng và phát triển, đạt năng suất, chất lượng cao.

Thời gian đầu gia đình anh Đồng cũng trải qua không ít lần thất bại, mất cả trăm triệu đồng khi gặp sự cố về mặt kỹ thuật. Rút kinh nghiệm trong quá trình trồng nấm sau này, anh luôn chú trọng xử lý triệt để những mầm bệnh phát sinh, hạn chế tối đa mức độ xâm nhiễm từ bên ngoài. Sau gần 2 năm triển khai, mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh.

Anh Đồng cũng cho biết, chu kỳ nuôi trồng nấm theo phương pháp hữu cơ chỉ 6 tháng là cho thu hoạch nhưng đòi hỏi kỹ thuật rất khắt khe từ khâu làm phôi đến khâu nuôi trồng, đặc biệt phải đảm bảo sạch hoàn toàn. Sau khi thu hoạch nấm phải xử lý tốt khâu khử trùng môi trường cho đợt trồng tiếp theo. Anh cũng tự nghiên cứu làm phôi để vừa phục vụ sản xuất của gia đình, vừa cung cấp cho các hộ có nhu cầu với giá 20.000 đồng/bịch.

Trại nấm dược liệu của anh Đồng

 

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nấm trên địa bàn Gia Lai cũng như các tỉnh, thành khác rất lớn, gần như cung không đủ cầu. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu, anh Đồng đã chọn sản xuất theo hướng hữu cơ để tạo ra các sản phẩm nấm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Toàn bộ sản phẩm làm ra được Công ty TNHH một thành viên Nông trại Fuha ở TP. Hồ Chí Minh bao tiêu. Với giá nấm mối đen khoảng 250.000 đồng/kg, nấm linh chi đỏ 600.000 đồng/kg thì mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Dự định trong thời gian đến gia đình anh sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi trồng nấm dược liệu.

Nhận thấy nghề trồng nấm ăn khá đơn giản, chi phí thấp, thời gian cho thu hoạch nhanh, nguyên liệu dễ kiếm nên ông Nguyễn Hòa tại thôn 4, xã Ia HLốp, huyện Chư Sê quyết tâm học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm và xây dựng cơ sở trồng nấm với quy mô ban đầu 500m2. Mô hình thành công đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Hiện tại trại nấm của ông Hòa đã mở rộng quy mô sản xuất lên đến 1.000m2.

Trại nấm rộng 1000m2 đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Hòa

 

Chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm ăn, ông Hòa cho biết, nhiệt độ lý tưởng cho một nhà trại nấm là 25 – 28 độ C, ẩm độ 75 - 85%. Muốn cho phôi tăng trưởng tốt, cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp, bảo đảm môi trường không bị nhiễm bệnh. Nhà trại phải cách xa chuồng trại gia súc, các nguyên liệu dùng làm phôi phải được bảo quản tốt, tuyệt đối không ẩm mốc.

Trên thị trường hiện nay, nấm bào ngư được tiêu thụ khá mạnh, giá cả cũng ổn định, khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg. Với 20.000 bịch phôi, bình quân mỗi ngày trại nấm của ông thu hoạch 20 kg nấm tươi. Thời gian từ khi cấy meo vào bịch phôi cho đến lúc thu hoạch nấm mất khoảng 60 ngày và thời gian phôi cho nấm kéo dài 7 - 8 tháng mới tàn. Bình quân mỗi bịch phôi từ đầu đến cuối vụ có thể cho từ 300 đến 600 gram. Sau khi trừ hết các chi phí, tiền lãi thu về khoảng 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra gia đình ông Hòa còn sản xuất và cung cấp phôi bán cho các hộ nông dân khác với giá 6.000 đồng/bịch.

Nuôi trồng nấm được xem là mô hình nhiều triển vọng tại địa phương. Tuy nhiên, rất cần các cơ quan chuyên môn quan tâm, hỗ trợ kỹ thuật cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm để nghề trồng nấm phát triển bền vững, thực sự là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Diễm Thúy

Trung tâm DV Nông nghiệp huyện Chư Sê, Gia Lai