Chúng tôi đi tham quan mô hình trồng cà phê xen cây đinh lăng làm dược liệu và cây tiêu của ông Lê Công Nguyên ở thôn Toqah, xã Chư Á, Tp. Pleiku. Mô hình mới triển khai đến thời điểm này hơn một năm. Xen giữa hai hàng cây cà phê là hàng cây đinh lăng. Mới hơn một năm mà cây cà phê đã có nhiều tầng cành xum xuê, trĩu quả, quả to căng tròn giống. Cây đinh lăng đã cho thu hoạch lá. Xung quanh vườn trồng cây trôm làm trụ sống để chuẩn bị sang năm trồng tiêu.

Ông Lê Công Nguyên cho biết: “Gia đình tôi trồng cà phê lâu năm, vườn cà phê đã già cỗi năng suất thấp. Năm ngoài được tư vấn thực hiện mô hình đa dạng hóa cây trồng trên một diện tích, theo đó thực nghiệm mô hình trồng cà phê xen cây đinh lăng làm dược liệu và cây tiêu. Gia đình tôi đã phá vườn cà phê cũ, trồng mới 3500 cây cà phê giống cà phê vối chọn lọc có năng suất cao ghép vào gốc cà phê mít. Giữa hai hàng cà phê trồng xen cây đinh lăng, xung quanh vườn trồng cây tiêu. Mô hình triển khai từ tháng 8/2016 đến nay vườn cây đã cho kết quả khả quan. Cây đinh lăng cho thu nhập 40 triệu đồng. Cây cà phê được Công ty thu mua chồi 3.000 đồng/chồi, thu được 30.000.000 đồng. Cà phê đến khi thu hoạch ước tính 8 kg tươi/cây vì cây rất sai trái, cành nhiều. Mô hình này hơn hẳn trông cà phê thuần những năm trước. Người dân trồng cà phê đi qua, đi lại xem  mô hình, thấy vườn cây báo hiệu cho thu hoạch cao nên đến tham quan học hỏi. Từ đó đặt mua giống về trồng tại vườn nhà”.

Vườn cà phê trồng xen đinh lăng của ông Lê Công Nguyên

Anh Phan Minh Đức – Giám đốc Công ty THHH Phân bón Trang Anh Sông Lam kể: “Tình cờ đến vườn cà phê của ông Lê Công Nguyên - người thực hiện mô hình trên, tôi thấy có một cây cà phê khác biệt giữa hàng ngàn cây khác. Tôi đề xuất với chủ vườn cho tôi nghiên cứu về cây cà phê này. Từ năm 2010 đến 2015 theo dõi, năm nào cây cà phê này đều cho năng suất cao, bình quân 8 kg nhân/năm. Đặc điểm của cây này có hình dáng nhỏ, lá răng cưa lúc nào cũng xanh, nhiều cành, trái hình vú bò có tới 96% quả hai hạt, nhặt mắt, cành cong rũ xuống. Điểm khác biệt nữa, thời gian chín của cây này muộn hơn các cây khác khoảng một tháng. Từ đó tôi bắt tay lấy giống ghép với cây cà phê mít và các giống cà phê khác. Kết quả thành công như mong đợi. Từ thực tế này tôi mạnh dạn đặt tên cho giống mới chúng tôi tuyển chọn là “ĐH01”. Đặc điểm của giống “ĐH01” nhỏ cây nên trồng dày hơn những giống cũ. Giống cũ theo quy trình trồng 1000 cây/ha, còn giống “ĐH01” trồng 1400 cây/ha. Nhưng năng suất và chất lượng hơn hẳn. Cây phát triển đều tán. Mới  năm đầu mà đã cho thu hoạch kha khá rồi, đến những năm sau chắc chắn bội thu. Ước tính cà phê thu bình quân hàng năm 10-11 tấn/ha. Hạt to chất lượng đảm bảo. Vườn trồng xen ba năm đầu thu  hoạch cà phê trội hơn, nhưng đến năm thứ tư thu hoạch đinh lăng từ củ, ước đạt 1 tỷ đồng/ha. Ngoài ra hàng năm còn thu tỉa lá đinh lăng lấy ngắn nuôi dài và còn thu hoạch tiêu nữa. Dự tính trông xen theo mô hình này hiệu quả cao gấp 3-4 lần trồng thuần cà phê. Tôi đang vận động nhiều hộ gia đình khác trong xã Chư Á trồng xen các loại cây khác nhau như: Trồng xen cà phê “ĐH01”, bơ BooTH7 và cây đinh lăng, mít bờ lô; Trồng cà phê “ĐH01”, bơ BooTH7, tiêu; Trồng cà phê “ĐH01”, bơ BooTH7, đinh lăng”.

Mô hình trồng xen đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng thuần và đảm bảo cho nông dân không bị thất thu khi gặp năm mất mùa, mất giá có cây này bù cây kia. Đây là mô hình rất đáng để cho bà con xem xét, áp dụng vào hoạt động sản xuất của gia đình mình.

Hương Trà