HTX Thành Hưng (huyện Vị Xuyên) chuyên sản xuất các máy thô sơ phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy tuốt lúa đạp chân, máy thái cỏ...

Sau 3 năm triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Giang đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, trước thời điểm triển khai Nghị quyết số 02, toàn tỉnh có 196 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp chưa được chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012; trong đó có 2/3 số HTX hoạt động sản xuất và kinh doanh không mang lại hiệu quả. Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 02, đã có 179/196 HTX chuyển đổi theo Luật HTX 2012, giải thể 85 HTX hoạt động không hiệu quả; tính từ thời điểm ban hành Nghị quyết 02 đến tháng 5 năm 2017 đã thành lập mới được 134 HTX, trong đó có 46 HTX hoạt động theo mô hình điểm của thôn Chang xã Việt Lâm huyện Vị Xuyên; 04 HTX hoạt động theo hình thức tổ đội trồng rừng.

Riêng đối với các Tổ hợp tác (THT) và các nhóm sở thích đã có sự phát triển cả về lượng và chất; tính đến cuối tháng 5 năm 2017, toàn tỉnh đã phát triển được 1.309 THT với trên 17.000 thành viên, tăng 445 tổ so với năm 2014; tổng số vốn đóng góp của các THT đạt trên 18 tỷ đồng; tính đến cuối tháng 5 năm 2017, đã có 792 nhóm sở thích được thành lập với trên 9.770 thành viên, tăng 417 nhóm so với năm 2014. Ngoài ra, các địa phương đã chủ động thu hút, liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp, các công ty đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tính đến cuối tháng 5 năm 2017, toàn tỉnh đã có 99 doanh nghiệp đăng ký hoạt động liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, tăng 15 doanh nghiệp so với năm 2014. Tổng số vốn đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đạt trên 500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Chuyên đề “Mỗi huyện một xã, mỗi xã có 01 thôn điển hình trong phát triển kinh tế”, các huyện thành phố đã lựa chọn được 13 xã điểm, 86 thôn điểm; đã có trên 25 sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực được tập trung phát triển. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo thực hiện “mỗi làng, xã phát triển một sản phẩm hàng hóa mang tính đặc thù của địa phương”; kết quả đã có 16 sản phẩm được duy trì phát triển, số hộ tham gia sản xuất theo hướng hàng hóa tăng 1.769 hộ với giá trị sản xuất đạt trên 108 tỷ đồng. Ngoài ra, người nông dân đã phát triển thêm được 29 loại sản phẩm hàng hóa với trên 6.500 hộ tham gia, giá trị sản xuất trong năm 2016 đạt trên 80 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Việc thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế. Các huyện, thành phố cần phải tập trung tổ chức lại sản xuất, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác và có lộ trình thực hiện cụ thể; bên cạnh đó, các huyện, thành phố cần phát huy các nguồn vốn để nêu bật các xã, thôn điển hình. Sở Nông nghiệp và PTNT cần xây dựng và hướng dẫn các tiêu chí lựa chọn các xã, thôn điển hình để các huyện, thành phố lựa chọn…

Phạm Văn Phú

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang