Để triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản thành công, UBND xã Vô Điếm đã chủ động mời cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Thủy sản tỉnh về nghiên cứu thực địa, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá cho nhân dân và chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông của xã và khuyến nông các thôn bản thường xuyên theo dõi các mô hình và hướng dẫn bà con chăm sóc, quản lý các ao nuôi, đồng thời huy động các  đoàn thể quần chúng của xã như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia thực hiện mô hình, cải tạo ao hồ để nuôi tôm,cá.

Sau hơn 3 năm triển khai (từ năm 2018), đến nay toàn xã Vô Điếm đã có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh với hơn 365 ha được đưa vào thả cá và trên 65% số hộ của xã tham gia mô hình nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nhiều ao nuôi ghép cá 3 tầng như tầng đáy nuôi cá chép, trắm đen; tầng giữa nuôi cá trắm cỏ, cá trôi… và tầng nước mặt nuôi cá mè, rô phi… Ngoài những giống cá nuôi truyền thống, đã có nhiều hộ gia đình mạnh dạn đưa những giống thủy mới có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu của thị trường vào nuôi như tôm càng xanh, cá chép đỏ, cá rô đồng, cua đồng mang lại nguồn thu nhập lớn cho các gia đình.

Cùng với việc áp dụng tiến bộ KHKT và lợi dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi như các dòng chảy tự nhiên nên môi trường trong các ao nuôi luôn được đảm bảo, cá lớn nhanh, ít bị dịch bệnh và tiết kiệm tối đa nguồn thức ăn. Đặc biệt, xã Vô Điếm còn thành lập nhóm cùng sở thích trong nuôi trồng thủy sản để thường xuyên có dịp trao đổi kinh nghiệm trong việc nuôi, chăm sóc, tạo nguồn thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, thời điểm thu hoạch và thị trường tiêu thụ…

Đồng chí Đàm Trung Thu, Chủ tịch UBND xã Vô Điếm cho biết: Trong những năm gần đây (2018 – 2020), thu nhập từ nuôi trồng thủy sản mỗi năm của xã Vô Điếm đạt trên 2,8 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay, toàn xã Vô Điếm không còn diện tích ao hồ bỏ trống. Hiện nay, nuôi trồng thủy sản đã trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của nhiều hộ gia đình trong xã. Nhờ phát triển nuôi trồng thủy sản mà hộ gia đình của xã đã vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho các lao động khác ở địa phương.

Trong những năm tiếp theo, rất cần các cơ quan chuyên môn và các hộ nuôi trồng tăng cường áp dụng các KHKT vào sản xuất để mô hình nuôi trồng thủy sản không chỉ bền vững và phát triển ở xã Vô Điếm mà còn được nhân rộng ra nhiều xã khác trên địa bàn của tỉnh Hà Giang.

Cần đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản tại Vô Điếm

 

Phạm Văn Phú

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Giang