Nhận thức rõ thế mạnh của các trang trại chăn nuôi, trong những năm qua tỉnh Hà Giang đã quan tâm đến công tác chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai các chính sách, chương trình phát triển chăn nuôi theo quy mô tập trung. Qua đó, các trang trại chăn nuôi của tỉnh đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay toàn tỉnh Hà Giang đã có 278 trang trại chăn nuôi các loại.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, các sản phẩm từ trang trại chăn nuôi của Hà Giang tuy tạo ra nguồn thu nhập khá lớn, góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo công ăn việc làm cho số đông lao động của địa phương, nhưng cũng gặp không ít khó khăn và bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục. Đặc biệt, các trang trại chăn nuôi chưa thực sự phát triển đúng với tiềm năng, hầu hết phát triển theo hướng tự phát, sản phẩm chăn nuôi còn đơn điệu.

 Những hạn chế đó bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính, đó là nguồn nhân lực của các trang trại chăn nuôi chưa được đào tạo bài bản và thiếu vốn đầu tư. Đa số các chủ trang trại chăn nuôi đều chưa qua các lớp đào tạo về quản lý, kỹ thuật chuyên môn trong chăn nuôi cũng như hạch toán kinh doanh. Các trang trại chăn nuôi của Hà Giang phát triển chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, chưa xây dựng kế hoạch lâu dài. Đa số các trang trại chăn nuôi chỉ phát triển chăn nuôi theo kinh nghiệm, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi còn hạn chế. Lực lượng lao động ở nông thôn tuy dồi dào nhưng chưa qua đào tạo, chất lượng lao động thấp. Một trong những khó khăn chung của các trang trại chăn nuôi ở Hà Giang đó là quy mô nhỏ, chưa có bước đột phá về đầu tư do thiếu vốn, mặc dù tỉnh đã triển khai các chính sách ưu tiên về vốn đầu tư cho các trang trại.

Vì vậy, để các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh Hà Giang đã đề ra các giải pháp như: Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ trang trại để họ đủ năng lực trong quản lý, điều hành hoạt động trong quá trình phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh cũng đẩy mạnh công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các chủ trang trại và nâng cao tay nghề cho lao động vùng nông thôn. Ngoài ra, các cấp chính quyền của các địa phương cũng đã tạo điều kiện giúp đỡ các trang trại nói chung và các trang trại chăn nuôi nói riêng tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi đảm bảo đủ cho chu kỳ phát triển chăn nuôi với số vốn đáp ứng được nhu cầu đầu tư.

Tỉnh Hà Giang cũng đã chỉ đạo việc quy hoạch vùng nhằm đầu tư đồng bộ hệ thống đường giao thông, điện, nước phục vụ cho trang trại; đề ra các cơ chế nhằm giúp các trang trại chăn nuôi liên kết với nhau thành một khối theo từng vùng. Khi đã có mối liên kết, các trang trại chăn nuôi của Hà Giang có thể phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau về vốn và thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, cùng tạo sức cạnh tranh với các sản phẩm chăn nuôi khác trên thị trường.

                                                                            Phạm Văn Phú

                                                Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hà Giang