Đồng thời phát triển HTXNN kiểu mới ít xã viên, với kế hoạch mỗi năm hỗ trợ, hướng dẫn thành lập 12- 15 HTXNN kiểu mới, ít xã viên, sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

HTX kiểu mới ít thành viên hoạt động bước đầu hiệu quả

Các HTX thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp với mục đích tạo điều kiện để các thành viên tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh thông qua việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng nhanh và có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), cung cấp những sản phẩm dịch vụ đầu vào chất lượng, giá cả hợp lý, các sản phẩm đầu ra đủ lớn, đảm bảo chất lượng, có địa chỉ tin cậy, thị trường tiêu thụ ổn định, không bị ép giá để phát triển sản xuất, nâng cao mức thu nhập cho thành viên và tạo tích lũy ngày càng lớn cho HTX.

Đến năm 2015, tỉnh Hà Nam đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại hoạt động của các HTX Nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012. Chuyển đổi từ 162 HTXNN trước đây còn 156 HTX, giảm 6 HTX do sáp nhập và giải thể. Tính đến 31/9/2018, tổng số HTX trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam là 181, tăng 20 HTX từ khi thực hiện Luật HTX năm 2012; trong đó có 154 HTXNN tổng hợp với 73 HTX có quy mô toàn xã, quy mô thôn liên thôn và 27 HTX chuyên ngành kiểu mới ít xã viên.

Tính đến 31/9/2018, toàn tỉnh Hà Nam có 27 HTX chuyên ngành kiểu mới, ít xã viên.

 

Về tổ chức bộ máy, các HTXNN chuyển đổi và thành lập mới cơ bản đã đáp ứng được theo quy định của Luật HTX 2012, bao gồm: Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các bộ phận chuyên môn giúp việc.

Về hiệu quả hoạt động, đa số các HTXNN đều tổ chức thực hiện được các dịch vụ thiết yếu phục vụ cho nhu cầu sản xuất của nông dân và tập trung chủ yếu vào dịch vụ thủy nông, dịch vụ khuyến nông chuyển giao tiến bộ KHKT, dịch vụ làm đất, dịch vụ bảo vệ thực vật… Đặc biệt, các dịch vụ sau quá trình sản xuất như bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân cũng có một số HTX thực hiện được nhưng phạm vi và mức độ còn hạn chế, chủ yếu ở những HTX được thành lập mới từ khi Luật HTX năm 2012 được ban hành.

Các HTX sau chuyển đổi đã đi vào hoạt động ổn định, bộ máy quản lý, điều hành có sự năng động, sáng tạo hơn trong việc tìm kiếm hướng đi mới, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cùng với đó nhiều HTX đã tham gia tích cực vào Chương trình xây dựng Nông thôn mới của địa phương. Theo đánh giá xếp loại HTXNN trên địa bàn tỉnh năm 2017, số HTX tốt chiếm 33,97%, HTX khá chiếm 48,72%, HTX trung bình, yếu chiếm 17,31%.

Các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, ít xã viên bước đầu hoạt động có hiệu quả với đặc trưng chính là tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hóa, có liên kết với các doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế: Sự liên kết của các HTXNN với các doanh nghiệp trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa chưa được nhiều, thiếu tính bền vững; còn lúng túng về phương thức và nội dung hoạt động, năng lực cạnh tranh thấp; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý của đội ngũ cán bộ HTX còn nhiều hạn chế; yếu kém về tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật nghèo nàn; quy mô sản xuất nhỏ, phần lớn các HTX không có khả năng tích luỹ để tái đầu tư­­­ vào sản xuất kinh doanh; các văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện còn chưa đồng bộ và kịp thời nên đã thiếu sự khích lệ, động viên, hỗ trợ thúc đẩy phát triển hợp tác xã; công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn có những bất cập, cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm; cấp ủy, chính quyền một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng.

Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phát triển HTXNN trong thời gian tới

Để hoàn thành kế hoạch số 1381/KH-UBND ngày 29/5/2018 của UBND tỉnh Hà Nam, trong đó dự kiến hỗ trợ thành lập 18 HTX sản xuất nông nghiệp sạch gắn liên kết chuỗi với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và Đề án phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTXNN hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 của Chính phủ, trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp như:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về đổi mới, phát triển HTX theo Luật Hợp tác xã 2012 đối với hệ thống cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước và toàn xã hội, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ phát triển HTXNN. Tuyên truyền cho các HTX nhận thức rõ ràng về cơ chế tự nguyện, quản lý dân chủ, bình đẳng…theo Luật Hợp tác xã 2012;

 Hoàn thiện và thực hiện cơ chế chính sách đối với HTXNN: Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp thực hiện chính sách đã ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả;

 Vận động, thu hút các doanh nghiệp lớn làm đầu tàu tham gia liên kết cùng HTX tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo động lực mới để chuyển đổi hoàn toàn hoạt động của các HTXNN, phát triển HTX kiểu mới với các phương thức, quy mô hoạt động gắn với trình độ phát triển của các ngành hàng nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh;

 Tăng cường công tác phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT với các sở, ngành, Liên minh HTX và chính quyền địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển HTX, Liên hiệp HTXNN một cách hiệu quả, thiết thực;

 Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý nhà nước và HTX, trong đó đặc biệt chú trọng đội ngũ cán bộ quản lý HTX, thành viên, người sáng lập khởi nghiệp các HTX nhằm trang bị kiến thức quản trị kinh doanh đảm bảo điều hành các HTX hoạt động có hiệu quả;

 Xây dựng các dự án, kế hoạch ưu tiên phát triển các HTXNN có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ các HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, các HTX thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản;

 Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; đề xuất hỗ trợ đặc thù cho các hoạt động xúc tiến thương mại của các HTXNN;

 Huy động, ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ có hiệu quả cho HTXNN từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước theo chính sách từ các Chương trình Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ; …

 Phối hợp các sở, ngành có liên quan, UBND huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, thường xuyên kiểm tra, giám sát các HTXNN trong việc thực hiện chủ trương chính sách, pháp luật./.

Mai Huê

TT Khuyến nông Hà Nam