Đồng thời chỉ đạo UBND xã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện kế hoạch của UBND huyện Ứng Hòa về phát triển kinh tế vùng, trong đó có tập trung phát triển kinh tế vùng trồng rau tập trung an toàn tại địa bàn xã. 

Xã Sơn Công có diện tích đất tự nhiên là 652,7ha, diện tích đất nông nghiệp 474,2ha, trong đó quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung của toàn xã là 27,12ha và đã được chứng nhận là vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Năm 2016, bằng nguồn hỗ trợ kinh phí của huyện Ứng Hòa, xã Sơn Công triển khai thí điểm trồng 5ha mô hình rau an toàn và sử dụng nguồn phân bón sinh học. Kết quả thu được là cây rau sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh so với phương thức canh tác truyền thống, tăng hiệu quả kinh tế từ 38 – 40 triệu đồng/ha. Nhận thấy được hiệu quả, xã Sơn công đã mở rộng vùng sản xuất rau an toàn, nâng diện tích toàn xã lên 27,12ha và bước đầu hình thành vùng chuyên canh rau gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Không chỉ phát triển vùng rau an toàn, xã Sơn Công còn được UBND huyện Ứng Hòa hỗ trợ nguồn kinh phí triển khai mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại thôn Vĩnh Thượng, với mục đích cung cấp các sản phẩm rau có chất lượng cao cho huyện Ứng Hòa và là nơi để người dân tham quan học tập, nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện. Tổng kinh phí thực hiện trên 1,6 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ 70%, nhân dân đóng góp 30% kinh phí xây nhà kính để sản xuất rau công nghệ cao. Đây là mô hình nhà kính đầu tiên với quy mô 5.000m2. Hiện tại, Hợp tác xã (HTX) Vĩnh Thượng đã hình thành nhóm hộ sản xuất với 4 hộ cùng hợp tác, phân khu trồng như sau: 50% diện tích trồng thử nghiệm 2 giống dưa chuột Israel, dưa lưới F1 Kim hoàng hậu; 50% diện tích còn lại trồng các loại rau, quả như: cải mơ, cải canh, cải ngọt, cải ngồng và cà chua. Mô hình được thiết kế hoàn toàn công nghiệp với dàn tưới nước, phun sương tự động, sử dụng hoàn toàn phân sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời giúp giảm chí phí công lao động.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính tại HTX Vĩnh Thượng, xã Sơn Công

Hiện tại các sản phẩm rau, dưa trong nhà kính đã cho thu hoạch và được HTX rau An Việt thu mua nên giá cả cao, ổn định. Qua đánh giá cho thấy, việc sản xuất rau, dưa trong nhà kính có nhiều ưu điểm như tránh được mưa nắng, chủ động được chế độ dinh dưỡng cho cây, hạn chế được dịch bệnh, nâng cao được năng suất và sản lượng gấp nhiều lần so với trồng rau bên ngoài theo phương thức truyền thống. Đặc biệt là khi trồng các loại rau, quả trái vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng.

Với mô hình sản xuất rau an toàn và mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại thôn Vĩnh Thượng thì một ngày HTX Vĩnh Thượng xuất bán ra thị trường Hà Nội khoảng 10 tấn rau, dưa các loại. Để nâng cao chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, huyện đang hướng tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, đồng thời gắn tem mác, mã số, mã vạch cho từng sản phẩm rau của Vĩnh Thượng.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện mô hình trồng rau an toàn và gần 1 năm thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính đã làm thay đổi hoàn toàn tập quán sản xuất của bà con từ canh tác truyền thống, chưa có nhiều kinh nghiệm trồng chăm sóc, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng thuốc hóa học tràn lan gây hại cho sức khỏe của chính bản thân mình và người tiêu dùng, hiệu quả mang lại chưa cao. Đến nay, việc sản xuất của các hộ đều tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, chọn giống rau, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, quản lý dịch hại. Nhờ vậy mà sản phẩm rau sản xuất ra đều đạt tiêu chuẩn và được chứng nhận VietGAP. Từ đó nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho gia đình. Hy vọng trong thời gian tới, vùng sản xuất rau an toàn của Vĩnh Thượng - Sơn Công sẽ ngày càng được mở rộng hơn nữa, đồng thời thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển./.                             

Đình Thủy

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình