Với tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế, những năm qua huyện Ứng Hòa đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng những vùng chuyên canh thủy sản, thủy cầm, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Việc mở rộng liên kết trong sản xuất nông nghiệp những năm qua đã và đang được các đơn vị sản xuất quan tâm góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản với các mô hình như: mô hình liên kết trong sản xuất lúa J02; mô hình hợp tác sản xuất tiêu thụ trong chăn nuôi lợn; mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò. Bên cạnh đó huyện còn có các sản phẩm là thế mạnh như: mô hình trồng bưởi Diễn; mô hình nuôi cá; mô hình nuôi vịt; mô hình trồng rau, quả trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao…

Chia sẻ về vấn đề nông sản, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương nhấn mạnh, nông dân nên làm tốt khâu sản xuất, còn các khâu sơ chế, đóng gói, thu mua lẻ, vận chuyển đến siêu thị nên để HTX, DN đảm nhận. Ngoài các kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, bà con cần lưu ý đến kênh bếp ăn tập thể như trường học, khu công nghiệp. Có như vậy, nông sản an toàn đưa ra thị trường mới cho giá trị gia tăng và tiêu thụ ổn định, giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam - bà Vũ Thị Hậu, kênh bán lẻ chính là những trung tâm thương mại và siêu thị đòi hỏi gắt gao tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP. Ngoài giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, siêu thị còn kiểm tra, đánh giá thực tế cơ sở sản xuất, tiếp đến mới quyết định ký hợp đồng với nhà sản xuất. Khi nhập sản phẩm, siêu thị sẽ kiểm tra nhanh tại chỗ, nếu các chỉ số vượt ngưỡng an toàn thì toàn bộ lượng hàng hóa bị hủy và chấm dứt hợp đồng. Do đó, nông dân, HTX cần đặc biệt lưu ý vấn đề sản xuất an toàn để sản phẩm đạt chất lượng đồng đều.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nông dân như quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, các giải pháp xây dựng nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết, điều kiện mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh và thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ mở các lớp tập huấn kỹ thuật để người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật. Kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân.

Hội thảo là cầu nối bổ ích giúp cho nông dân trên địa bàn huyện có điều kiện được trao đổi thông tin, giao lưu, học tập các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nắm bắt các chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp và bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn giúp cho hội viên nông dân phát triển sản xuất bền vững./.

Đình Thủy