Xã Đức La, huyện Đức Thọ có diện tích tự nhiên 335,33 ha, dân số 1.800 hộ, với 4.070 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông như sản xuất lúa, hoa màu. So với các địa phương khác trong huyện thì kinh tế ở Đức La vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do địa bàn nằm ngoài đê La Giang nên thường hay bị ngập lụt, điều kiện  môi trường, thổ nhưỡng không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ thiếu lao động, việc làm không ổn định, thiếu đất canh tác, thiếu vốn và các kiến thức về khoa học - kỹ thuật, nên hiệu quả kinh tế đạt thấp.

Tuy nhiên, những năm gần đây, được sự quan tâm, giúp đỡ của các ngành, các cấp, nhất là ngành nông nghiệp, cấp ủy chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền vận động, hướng dẫn bà con thay đổi tập quán sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, làm tốt công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật... Nông dân xã Đức La đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn như: chuyển đổi từ lúa mùa địa phương sang trồng các giống lúa chất lượng cao; đưa cây ớt chỉ thiên vào trồng thay thế các loại hoa màu kém hiệu quả; trồng ngô nếp, lạc,…

Vụ xuân năm nay, HTX nông nghiệp Đức La đưa vào sản xuất 110 ha, cơ cấu bằng các giống chất lượng cao như P6, VTNA2 và nếp 98 thích hợp với môi trường thổ nhưỡng vùng đất bãi ven sông, năng suất cũng tăng từ 3,9 tấn lên 4,1 tấn/ha.

Ngay từ đầu vụ, để giúp nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật, HTX đã hướng dẫn từng biện pháp kỹ thuật cho người dân như: làm đất; chọn giống lúa; quy trình bón phân theo từng giai đoạn sinh trưởng; phun thuốc theo ngưỡng quy định; cân đối lượng nước tưới theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa cũng như quá trình thu hoạch lúa để giảm thất thu... Bên cạnh đó, nông dân còn được tập huấn về các điều kiện phát sinh, phát triển của một số dịch hại chủ yếu như rầy nâu, bệnh đạo ôn, khô vằn..., hướng dẫn cách nhận biết các triệu chứng gây hại và biện pháp quản lý các đối tượng gây hại theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa của HTX đã trổ thoát trong khung thời vụ an toàn.

Mô hình trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu – một trong những hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp của xã Đức La

Mô hình trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu, bắt đầu được trồng thử nghiệm trên diện tích 2,5 ha tại thôn Đông Đoài từ năm 2017. Sau gần 5 tháng trồng, hiện cây ớt đã phát triển tốt và cho thu hoạch khá. Theo những hộ trồng ớt cho biết, giống ớt này phù hợp với xứ đồng đất thịt pha cát. Trong khi đó, đa phần diện tích trồng ớt hiện nay của bà con chỉ cấy lúa được 1 vụ rồi bỏ hoang (do thiếu nước). Ngoài việc chọn thổ nhưỡng phù hợp đất pha cát, địa điểm trồng ớt phải đảm bảo thoát nước tốt, kín gió nhằm tránh mưa bão gây thiệt hại cây trồng. Để thực hiện mô hình chuyển đổi trồng cây ớt UBND xã đã ký liên kết với Công ty XNK Thanh Hóa tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với giá 10.000 đồng/kg và hỗ trợ 50% giá giống; Lắp đặt hạ tầng đường điện để bơm tưới. Cứ mỗi vụ ớt cho thu hoạch 10 -12 lứa, năng suất đạt từ 5-7 tấn/sào. Với giá bán như trên, mỗi sào đã thu về 50 -70 triệu đồng. Thời gian này bà con đang thu hoạch lứa thứ 4 và doanh nghiệp đã thu mua hết toàn bộ sản phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Linh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức La cho biết: “Với việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất khác ở Đức La nói riêng và vùng ngoài đê La Giang nói chung đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, cho sản lượng lớn, sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường. Các mặt hàng nông sản mới đều cho giá trị lợi nhuận cao hơn trồng lúa từ 3-10 lần đã góp phần cải thiện đời sống dân cư nông thôn và góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM”.

Với các kết quả trên cho thấy, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu là hoàn toàn phù hợp. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, xã đang tập trung vận động, hướng dẫn bà con tiếp tục duy trì, chọn lựa các giống cây trồng thích hợp, ứng phó với hạn, mưa lũ, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa thay đổi tập quán sản xuất của người dân, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng ngập lụt luôn là thách thức lớn đối với bà con nông dân Đức La trong quá trình sản xuất nông nghiệp hiện nay./.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh