Về xã Sơn Thọ vào những ngày cuối năm, trên những cánh đồng mía, người dân nơi đây đang tất bật bóc vỏ, dọn cỏ cho những cây mía, chuẩn bị cho mùa thu hoạch.

Cùng đi thăm đồng với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch xã Sơn Thọ cho hay: “Nhằm góp phần nâng cao thu nhập và bảo tồn nghề làm mật mía truyền thống, năm 2018, xã Sơn Thọ đã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân mở rộng diện tích trồng mía lên gần 20ha, với gần 200 hộ trồng rải đều ở tất cả các thôn, tăng hơn 8ha và gần 100 hộ trồng so với năm 2017.

Để khuyến khích bà con nhân dân sản xuất, xã cũng đã trích ngân sách hỗ trợ 300.000 đồng tiền giống/1 sào cho bà con, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc mía... nhờ đó đã có nhiều hộ dân phấn khởi tận dụng hết diện tích đất ruộng để trồng mía”.

Sau gần một năm chăm sóc cây mía, người dân ra đồng chặt mía về để làm sản phẩm chính là mật mía. Không nhiều sản phẩm có giá trị sử dụng rộng rãi trong đời sống và trong văn hóa ẩm thực như mật mía: Mật dùng để làm kẹo lạc, nấu chè; dùng trong chế biến các món ăn, dùng chấm bánh chưng và các loại củ có chất bột; mật còn dùng để bồi bổ sức khỏe cho đàn gia súc để tăng sức kéo…

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Thanh Bình, xóm 1, xã Sơn Thọ, một trong những hộ dân trồng mía, sản xuất mật lâu năm ở xã. Anh cho hay: Không chỉ vất vả trong quá trình trồng và chăm sóc cây mía, công việc “kẹo mật” cũng cực nhọc không kém và đòi hỏi người thợ phải có nhiều kinh nghiệm để vận hành một quy trình kỹ thuật khắt khe. Mía nguyên liệu thu hoạch về, được ép bằng sức kéo của trâu hoặc bò để lấy nước. Nước mía “thô” được đưa vào chảo lớn đun bằng củi, bắt đầu cho những công đoạn chính.

Trong quá trình nấu mật, phải canh lửa thật đều. Nếu lửa quá to sẽ bị đóng đường xuống đáy chảo và dễ bị cháy. Nếu lửa quá nhỏ thì tốn nhiều thời gian. Trong công đoạn nấu thô, phải thường xuyên dùng vợt vớt bọt bẩn nổi trên mặt nước. Khi nước hết bọt, sẽ được bắc ra lắng lọc nhiều lần để loại các tạp chất, chiết thành thứ nước mía hoàn toàn trong suốt.

Công đoạn cuối cùng là keo mật. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian, công sức và đòi hỏi kỹ thuật cao nhất. Người trực tiếp đứng bếp phải dùng sào tre đảo liên tục và đều tay. Khi nước mía chuyển sang sền sệt và có ánh vàng đỏ là được. Sản phẩm cuối cùng được bảo quản trong các chum sành hoặc đồ sứ”. Để có được một mẻ mật, người nấu phải mất 6 - 7 tiếng đứng canh bên bếp.

Anh Nguyễn Viết Hoài (xóm 6, Sơn Thọ), chia sẻ: “Ngoài những đòi hỏi kỹ thuật trong suốt quá trình keo mật, chất lượng của mật mía có đạt hay không còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu. Nếu cây mía có độ ngọt càng cao thì mật thành phẩm càng đạt. Mía phải được chăm sóc cẩn thận và sạch sâu bệnh, những cây bị sâu bệnh phải loại bỏ ngay trên đồng ruộng. Một mẻ mật mía đạt chất lượng phải đạt yêu cầu về màu, mùi và vị”.

Không chỉ sử dụng cây mía làm sản phẩm chính là mật mía, người nơi đây còn tận dụng hết các phụ phẩm khác của cây như lá mía được sử dụng để ủ làm phân bón cho cây trồng, bã mía thì làm chất đốt rồi cũng sử dụng tro để làm phân, đọt mía làm thức ăn cho trâu bò…

Cũng theo anh Nguyễn Văn Dũng, năm 2017, từ hơn 10 ha mía đã cho sản lượng mật đạt 80 tấn, với giá bán mật mía thành phẩm 30 - 35 ngàn đồng/kg, đã đưa lại nguồn thu cho bà con nhân dân xã Sơn Thọ trên 2 tỷ đồng, trong đó nhiều hộ thu nhập gần 50 triệu đồng/vụ.

Nghề trồng mía hết sức vất vả, cực nhọc nhưng bao năm qua vẫn không hề bị mai một do sự phát triển của các nghề mới trên vùng đất này. Làng nghề mật mía truyền thống vẫn tiếp tục được lưu giữ và phát triển; nguồn mật ngọt đậm đà hương quê vẫn giữ được nét tinh tú đặc trưng bao đời của vùng đất Sơn Thọ./.

Hà Trần

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh