Mặc dù đã chuyển hướng sang chăn nuôi bò thịt theo hình thức nuôi nhốt trong vài năm trở lại đây nhưng ông Phan Văn Thích ở thôn Tân Trung Sơn, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc vẫn không hài lòng về giống bò cỏ địa phương bởi giống bò này vừa nhỏ lại cho năng suất không cao. Do vậy để chăn nuôi bò thịt nuôi nhốt đạt hiệu quả, năm 2018 gia đình ông đã mua hai con bò 3B về nuôi vỗ béo. Sau một năm nuôi, gia đình xuất bán thu lãi gần 30 triệu đồng. Nhận thấy nuôi bò 3B vỗ béo có hiệu quả, năm nay ông Thích tiếp tục mua thêm 10 con về nuôi vỗ béo. Ông Thích cho biết, trung bình mỗi con bò nuôi vỗ béo tiêu thụ khoảng 25 kg thức ăn xanh một ngày, ngoài ra còn phải bổ sung thêm tinh bột. Để có thức ăn cho bò ông đã trồng thêm cỏ voi, trồng chuối và dự trữ thêm rơm rạ. Ông cũng đầu tư thêm một máy nghiền thức ăn xanh để chủ động trong việc thái nhỏ cỏ và cây chuối.

Mô hình nuôi bò nhốt của ông Phan Văn Thích

Còn với gia đình chị Hà Thị Đào ở thôn Liên Tài Năng cũng là một hộ chăn nuôi có kinh nghiệm ở xã Tùng Lộc. Trước đây, trong chuồng của gia đình chị lúc nào cũng có 40 con lợn thịt và 2 con bò. Tuy nhiên từ khi dịch tả lợn Châu phi xảy ra, gia đình chị đã quyết định không tái đàn lợn mà tận dụng chuồng nuôi lợn để chuyển hướng tăng đàn bò nuôi nhốt vỗ béo. Để có sẵn thức ăn vỗ béo cho bò, chị đã mua thêm phế phụ phẩm như cám gaọ, cám đậu và rơm rạ. Có sẵn thức ăn, cách nuôi bò của chị Đào cũng khác trước. 10 con bò chị nuôi không còn phải chăn thả. Đàn bò ở một chỗ mà vẫn có đầy đủ thức ăn, nước uống. Với việc nuôi nhốt theo phương pháp vỗ béo, tốc độ tăng trọng của đàn bò nhanh hơn từ 20 - 30% so với cách nuôi bò thả rông.

Không chỉ ở huyện Can Lộc, thời gian qua, huyện Cẩm Xuyên cùng với các địa phương đã tuyên truyền, khuyến khích nhân dân tận dụng tiềm năng đất đai, nhất là các diện tích đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ để chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo, góp phần thực hiện mục tiêu nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi lên trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.

Là xã bán sơn địa, địa hình khí hậu thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên hiện có trên 2.000 con bò. Bò chủ yếu nuôi nhốt tại hộ gia đình, bò nuôi có quy mô lớn nên nhiều hộ có thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng. Đặc biệt thời gian gần tết bò được giá, dễ bán nên người chăn nuôi rất phấn khởi.

Còn tại xã Cẩm Sơn, mô hình chăn nuôi bò nhốt vỗ béo dù mới chỉ phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây nhưng cũng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích đất đồi trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng giống cỏ voi và cỏ VA06 để làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Nhờ đó, người dân hoàn toàn chủ động được nguồn thức ăn thô xanh, giàu dinh dưỡng. Theo tính toán mỗi tháng một con bò nuôi nhốt có thể thu lãi hơn ba triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với việc trồng lúa, trồng ngô. Mô hình nuôi bò vỗ béo và bán bò thịt bằng hình thức nhốt chuồng đã được chính quyền và người dân ở nhiều địa phương đánh giá cao, có thể mở rộng quy mô, giúp nông dân phát triển kinh tế và từng bước vươn lên làm giàu.

Trong bối cảnh chăn nuôi một số loại gia súc, gia cầm đang gặp khó khăn về thức ăn, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ… thì việc nuôi bò vỗ béo và bán bò thịt trở nên hấp dẫn hơn nhờ thị trường rộng mở. Tuy nhiên, để nghề nuôi bò nhốt thật sự mang lại hiệu quả cao và đảm bảo tính bền vững thì người nuôi cần có kiến thức và tuân thủ quy trình chăm sóc nuôi dưỡng cũng như phòng trị bệnh đúng quy trình.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh