Tham gia mô hình, các hộ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy, đến khâu thu hoạch; đồng thời thực hiện gieo cấy, chăm sóc và bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật. Giống sử dụng là giống BT-7, riêng ở Lạc Long dùng giống TBR-1. Phương thức gieo cấy là gieo mạ khay và cấy bằng máy, đối chứng là gieo mạ sân và cấy bằng tay hoặc gieo vãi.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp&PTNT và Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá năng suất lúa trước hội thảo

Ngày 15 tháng 6 năm 2016, tại xã Lạc Long huyện Kinh Môn, Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả mô hình thực hiện Đề tài. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư,...; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện UBND các xã có tham gia mô hình và các xã thuộc huyện Kinh Môn; và đại diện các hộ xã viên trong và ngoài mô hình.

Kết quả tại hội thảo cho thấy lúa sinh trưởng phát triển tốt, mô hình sử dụng phương thức gieo mạ khay và cấy bằng máy có mật độ khóm/m2 thấp nên thuận lợi cho cây lúa quang hợp ánh sáng, lúa đẻ nhánh khỏe, số dảnh hữu hiệu/khóm cao hơn so với phương thức gieo mạ sân và cấy thủ công từ 3-4 dảnh và cao hơn phương thức gieo vãi từ 5-6 dảnh; chiều cao của cây lúa trong mô hình cao hơn đối chứng gieo mạ sân và cấy bằng tay từ 5-6cm, gieo vãi là 2cm; thời gian sinh trưởng của lúa trong mô hình tương đương với cấy bằng tay và dài hơn 5-7 ngày so với gieo vãi. Do cấy bằng máy nên mật độ thưa, ruộng thông thoáng hơn do vậy mức độ nhiễm khô vằn, rầy nâu ít hơn rất nhiều và khả năng chống đổ tốt hơn so với cấy bằng tay hoặc gieo vãi.

Mô hình gieo mạ khay và cấy bằng máy cho năng suất cao hơn nhiều so với cấy bằng tay và gieo vãi. Cụ thể: Tại HTX Tân Phong và Mộ Trạch, mô hình có số hạt chắc/bông trung bình đạt 156,9 hạt, tỷ lệ lép 3,5%, số bông trung bình/m2 là 288,8 bông, năng suất bình quân dự kiến đạt 61,9 tạ/ha, cao hơn đối chứng cấy bằng tay là 4,1 tạ/ha. Tại HTX Tân Trường, mô hình có số hạt chắc/bông trung bình đạt 155,5 hạt, tỷ lệ lép 4,0%, số bông trung bình/m2 là 284,8 bông, năng suất thực thu dự kiến đạt 60,4 tạ/ha, cao hơn đối chứng gieo vãi là 1,9 tạ/ha. Tại HTX Lạc Long, mô hình có số hạt chắc/bông trung bình đạt 154 hạt, tỷ lệ lép 3,0%, số bông trung bình/m2 là 284,8 bông, năng suất thực thu dự kiến đạt 76,7 tạ/ha, cao hơn đối chứng cấy bằng tay là 5,7 tạ/ha. Qua đánh giá hiệu quả kinh tế, trừ tất cả các khoản chi phí mô hình gieo mạ khay và cấy bằng máy cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với gieo mạ sân và cấy bằng tay từ 5,4-6,6 triệu đồng/ha và cao hơn gieo vãi 4,1 triệu đồng/ha.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đánh giá cao mô hình mẫu được áp dụng phương thức gieo mạ khay, cấy bằng máy, hướng dẫn nông dân bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch. Nhờ áp dụng đồng bộ nên chủ động được thời vụ, lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, chống đổ tốt, chống chịu sâu bệnh tốt hơn cấy bằng tay và gieo vãi, cho năng suất cao hơn, tiết kiệm chi phí sản xuất, công lao động và cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trần Cảnh

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương