Một số vùng vải trồng áp dụng VietGAP của huyện được Nhà nước quan tâm và đầu tư phát triển cho hiệu quả rất cao. Ngoài 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thị trường tiêu thụ vải Thanh Hà đã mở rộng sang các nước như Ốt-trây-li-a, Ca-na-đa, Mỹ, Nhật Bản… Đây là những tín hiệu đáng mừng giúp người dân Thanh Hà gắn bó lâu dài cùng cây vải.

Người dân ở một số xã của huyện Thanh Hà như Thanh Cường, Thanh Bính, Thanh Hồng,Thanh Sơn ... cho biết, cấy lúa không cho lại hiệu quả cao như trồng vải. Một sào lúa (360 m2), một năm trừ tri phí cho thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng. Trong khi đó, nếu chuyển đổi sang trồng vải thì sau 3 năm cho thu nhập từ 10 - 12 triệu/sào/năm. Ngoài ra, trồng lúa gặp không ít khó khăn nên người dân Thanh Hà không còn mặn mà với cây lúa.

Mô hình trồng xen vải với cấy lúa phát triển ở Thanh Hà, Hải Dương

Chúng tôi gặp bác Vũ Hữu Định, người có nhiều năm kinh nghiệm trồng vải ở xã Thanh Cường và được bác chia sẻ: Do mạnh dạn chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng vải  mà gia đình bác mỗi năm có thu nhập từ 120 - 150 triệu. Kinh tế gia đình khá giả hơn, có điều kiện hơn để con em theo học đại học và sắm thêm vật dụng cho gia đình. Một vài năm trước tiêu thụ có khó khăn nhưng mấy vụ gần đây được mùa, giá bán lạicao nên rất dễ tiêu thụ. Hiện bác Định mong muốn áp dụng quy trình trồng vải VietGAP nên rất tích cực học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác tại các lớp tập huấn. Ngoài phát triển canh tác vải của gia đình, bác Định còn hướng dẫn các hộ lân cận cách chăm sóc cho cây vải ra hoa và đậu nhiều quả.

Có thể nói, việc chuyển đổi sang trồng vải đã nâng cao thu nhập cho người dân Thanh Hà, từ đó góp phần phát triển bền vững loại cây thế mạnh của huyện nhà.

Minh Quân

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương