Tham dự Diễn đàn có 350 đại biểu của 18 tỉnh thành phía nam, trong đó 170 đại biểu là nông dân đến từ 5 tỉnh: Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - ông Trương Cảnh Tuyên đã đến dự và phát biểu chào mừng Diễn đàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu chào mừng Diễn đàn.


Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã tham quan mô hình tưới tiết kiệm trên cây khóm (dứa) của Hợp tác xã Thạnh Thắng tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Tại đây, các đại biểu tham dự buổi trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái và cùng trao đổi với Ban lãnh đạo Hợp tác xã những nội dung như: chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế, kỹ thuật vận hành hệ thống tưới tiết kiệm, đầu ra sản phẩm khóm của Hợp tác xã. Các đại biểu cũng thưởng thức khóm ăn tươi và các sản phẩm từ khóm như rượu và mứt khóm của Hợp tác xã. 

Ông Vu Sủi, giám đốc Hợp tác xã Thạnh Thắng cho biết, chi phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho 1 ha khóm hết khoảng 50 triệu đồng, khấu hao trên 5 năm. Khóm bán theo giá thị trường được phân loại tùy vào độ nặng của trái: loại 1 là 2 trái/kg, giá 7000 - 8000 đồng/trái; loại 2 là 4 trái/kg, giá bán 3000 - 4000 đồng/trái; loại 3 là 8 trái/kg, giá bán 1000 - 1.500 đồng/trái. Thu hoạch một vụ từ lúc trồng đến khi xuất bán khoảng 4 tháng, sau khi trừ chi phí sản xuất, bao gồm cả khấu hao hệ thống tưới có thể cho lãi 50 triệu đồng/ha.

Giám đốc Hợp tác xã Thạnh Thắng chia sẻ về mô hình trồng khóm áp dụng tưới nước tiết kiệm


Trao đổi về việc xây dựng thương hiệu, định danh cây ăn trái của Hậu Giang nhằm đáp ứng thị trường xuất khẩu, ông Lê Văn Đời - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết, hiện Hậu Giang đã có 7 sản phẩm cây ăn trái được chứng nhận nhãn hiệu tập thể gồm: Bưởi năm roi Phú Thành Hậu Giang, Cam Sành Ngã Bảy, Khóm Cầu Đúc, Chanh không hạt Hậu Giang, Quýt đường Long Trị, Cam xoàn Phụng Hiệp, Xoài cát Hậu Giang. Trong đó cam xoàn và khóm đã phát triển thành thương hiệu nổi tiếng. Cả 7/7 loại sản phẩm nông sản trên đều có điểm sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP. Trên địa bàn tỉnh đến nay đã có 10 điểm sản xuất được cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng 164 ha gồm bưởi, cam, quýt, sầu riêng, mãng cầu xiêm, khóm; 02 điểm trồng bưởi, chanh được cấp chứng nhận GlobalGAP với diện tích khoảng 60 ha. Hiện tỉnh đang phấn đấu xây dựng 40 ha khác theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 20 ha trồng khóm và 20 ha trồng mãng cầu. Quy hoạch vùng sản xuất chanh không hạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 20 ha tại huyện Châu Thành.

Trong phần thảo luận, Ban cố vấn Diễn đàn đã giải đáp 33 câu hỏi của các đại biểu và bà con nông dân đặt ra, tập trung vào chủ đề: Quy trình kỹ thuật canh tác và bảo vệ thực vật các loại cây ăn trái như: bưởi, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, xoài, khóm, chanh không hạt, mãng cầu...; Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về định danh sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất được cấp giấy chứng nhận VietGAP đáp ứng thị trường xuất khẩu...

Toàn cảnh Diễn đàn


Theo số liệu thống kê, năm 2018, diện tích cây ăn quả các tỉnh phía Nam ước đạt 596.331 ha, chiếm 60% diện tích của cả nước; tổng sản lượng hơn 6,6 triệu tấn, chiếm khoảng 67% sản lượng của cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trồng cây ăn quả chủ lực, chiếm khoảng 58% diện tích của miền Nam, tiếp đến là Đông Nam Bộ khoảng 17%.

Miền Nam có 14 loại cây ăn quả chủ lực gồm: xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, cam, bưởi, nhãn, khóm, chanh, chôm chôm, mít, quýt, bơ, mãng cầu. Ngoài ra, còn các loại trái cây đặc sản khác của vùng như: măng cụt, vú sữa, bòn bon, nhãn, dừa, dưa hấu....

Những năm qua, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới đã được nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng thành công vào sản xuất, thúc đẩy sản xuất cây ăn quả phát triển. Nhiều giống cây ăn quả mới được chọn tạo, chuyển giao cho sản xuất; nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng trên quy mô lớn như: rải vụ thu hoạch, ghép cải tạo, tỉa cành tạo tán, tưới nước tiết kiệm, thụ phấn bổ sung, sử dụng đèn tiết kiệm điện để xử lý ra hoa thanh long, kỹ thuật xử lý ra hoa xoài, nhãn nghịch vụ, cải thiện tăng đậu quả và chống rụng quả non chôm chôm....

Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng thành công vào sản xuất cây ăn trái

Phần lớn trái cây khu vực phía Nam được tiêu thụ trong nước, chiếm khoảng 75 - 80% dưới dạng quả tươi là chính. Những năm gần đây, việc xuất khẩu trái cây được đẩy mạnh và có những tín hiệu tích cực. Một số loại trái cây xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao như thanh long (chiếm 80- 85% sản lượng), sầu riêng (chiếm 60%). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu và xuất dưới dạng tiểu ngạch chiếm khoảng 70- 75%. Tiêu thụ trái cây tương đối thuận lợi, giá cao, người sản xuất có lãi nhờ áp dụng rải vụ thu hoạch, sử dụng giống mới, canh tác theo hướng an toàn, tiến bộ làm cho chất lượng quả tốt hơn, an toàn hơn, mẫu mã đẹp hơn.

Mặc dù sản xuất cây ăn trái ở các tỉnh miền Nam có những kết quả nhất định, nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế như: sản xuất nhỏ lẻ, phân tán; mức độ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sau thu hoạch còn thấp; tổ chức sản xuất tập trung được chứng nhận sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu hàng hóa chưa nhiều, theo chuỗi giá trị ít; chất lượng cây ăn trái còn nhiều nhược điểm như trái nhỏ, mẫu mã ít hấp dẫn, nhiều hạt, độ ngon kém hơn so với sản phẩm nhập khẩu, điều này kìm hãm xuất khẩu và khó tiêu thụ thị trường trong nước ngày càng đòi hỏi cao; kỹ năng sản xuất của nông dân không đồng đều, đa phần còn hạn chế, đặc biệt kỹ năng xử lý các tình huống biến đổi bất thường của khí hậu, dịch bệnh...

TS. Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kết luận Diễn đàn

Kết luận Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổng hợp các giải pháp phát triển cây ăn trái đáp ứng thị trường xuất khẩu như sau:

- Xây dựng quy hoạch phát triển diện tích cây ăn trái theo hướng sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng, địa phương gắn với chế biến, vùng nguyên liệu cho xuất khẩu, doanh nghiệp kinh doanh trong nước. 

- Đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và công nghệ sau thu hoạch, bảo quản chế biến. Đẩy nhanh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như: giống cây trồng mới, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin, cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. 

- Nâng cao năng lực sản xuất của nông dân, năng lực quản trị của lãnh đạo hợp tác xã kiểu mới sản xuất cây ăn trái. 

- Xây dựng và thực thi các chính sách của nhà nước hỗ trợ cho nông dân, tổ chức của nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất. Tăng cường thúc đẩy phát triển cây ăn trái bằng việc tư vấn, chính sách hỗ trợ hình thành Hợp tác xã kiểu mới, tổ chức nông dân tốt là cơ sở cho việc phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả cao.

- Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và cây ăn trái nói riêng, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Tăng cường thông tin tuyên truyền, tuyên dương sản phẩm, tổ chức, chủ trang trại sản xuất điển hình, hiệu quả.

Nguyễn Nhung

Ảnh: Đỗ Tuấn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia