Những mô hình năng suất cao

Song song với hoạt động giúp bà con nông dân xây dựng mô hình sản xuất lúa của dự án VnSAT tại các tỉnh ĐBSCL, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện dự án giảm lượng giống gieo sạ cho lúa, nông dân đã có hiểu biết về hiệu quả của kỹ thuật giảm lượng giống gieo.

Tại Cần Thơ, ông Nguyễn Hữu Thiện ở ấp Thành Hưng I, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ cho biết gia đình ông có 5,5 ha lúa gieo sạ vụ đông xuân này với giống Jacmin 85, gia đình ông được tham gia các lớp tập huấn do dự án VnSAT tổ chức ngay từ đầu vụ. Khi gieo sạ tuy lượng giống còn cao khoảng 145 kg/ha do sạ bằng máy phun nhưng cả vụ đã giảm lượng phân đạm, ka-li xuống 2/3 so với các vụ trước và không bón phân lân, có phun thuốc trừ rầy 2 cữ vào sau 40 ngày sau sạ. Một phần do điều kiện thời tiết thuận lợi mà vụ Đông Xuân này gia đình ông thu được 1.200 kg lúa tươi/công tầm lớn (1 công tầm lớn = 1300 mét vuông), tương đương 9,2 tấn lúa tươi/ha.

Cũng tại xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, ông Nguyễn Minh Cảnh ở ấp Thạnh Trung cho biết, ông có tới 10 công tầm lớn. Vụ đông xuân vừa qua sau khi tham gia các lớp tập huấn ông đã không sạ dày mà giảm lượng giống xuống 140 kg/ha, bón 25 kg ure, 25 kg ka-li và 5 kg phân lân cho 1 công, chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật trừ rầy lúc sau sạ khoảng 50 ngày, năng suất thu hoạch bình quân khi cân cho thương lái ngay ngoài đồng đạt 1.260 kg lúa tươi/công, tương đương khoảng 9,6 tấn/ha. Phấn khởi với kết quả vụ đông xuân, ông Cảnh đang thuê máy làm đất và gieo sạ ngay vụ hè thu với giống lúa OM5451.

Gặp ông Trần Minh Tăng, ấp Lân Quới 2, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh ngay tại ruộng lúa Đông Xuân đang cho thu hoạch, ông cho biết: “Năm nay tôi mướn 7 ha đất và vụ Đông Xuân này tôi đã gieo sạ hết diện tích với giống lúa nếp Thái Thơm. Cũng nhờ tập huấn do dự án VnSAT hướng dẫn tôi chỉ gieo khoảng 135kg giống/ha, mỗi công tầm lớn ông giảm lượng phân bón là 18 kg ure, 20 kg lân và 20 kg ka-li. Khi thu hoạch đạt 1.200 kg/công, tương đương 9,2 tấn lúa tươi/ha, cân bán ngay tại ruộng cũng được giá 6.300 đồng/kg”. Sau vụ Đông Xuân ông cũng tiếp tục làm đất và gieo sạ vụ Hè Thu ngay. Khi hỏi về lợi nhuận ông Tăng cho biết, nếu tính bình quân mỗi công ruộng ông bán được khoảng 7 triệu tiền lúa và trừ tất cả các loại chi phí khoảng 4 triệu đồng ông còn lời khoảng 3 triêu/công, tức là lời khoảng trên 23 triệu đồng/ha.

Thu hoạch lúa Nếp Thái Thơm xã tại Vĩnh Thạnh, Cần Thơ

Hợp Tác xã Hiếu Bình tại Cần Thơ đã sử dụng kỹ thuật gieo mạ, cấy bằng máy chỉ dùng khoảng 50 kg giống/ha và không dùng phân hoá học, chỉ dùng phân sinh học đã cho thấy cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, không bị nhiễm rầy và gần đến ngày thu hoạch mặc dù có mưa vẫn không bị đổ ngã. Sử dụng phân sinh học giúp cho màu sắc hạt lúa sáng và chắc hạt, có lợi cho môi trường và sức khoẻ con người. Mặc dù chưa đến ngày thu hoạch nhưng đại biểu tham dự hội thảo đầu bờ dự kiến năng suất khoảng 1,2 tấn/công, tức là khoảng 9,2 tấn lúa tươi/ha.

Tại ấp Phước Chung, xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, từ việc tiếp thu lý thuyết và áp dụng vào thực tiễn trên ruộng nhà theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, bà con đã sử dụng giống xác nhận, sạ thưa 80 kg/ha, bón phân cân đối giữa đạm, lân, ka-li, tưới tiêu hợp lý, thường xuyên ghi chép nhật ký đồng ruộng, phun thuốc BVTV khi thật cần thiết giúp cho giá thành sản xuất 1kg lúa chỉ còn 1.850 đồng so với đối chứng là 2.560 đồng. Tính tới vụ Đông Xuân 2017-2018 có tới 70% số hộ tham gia ứng dụng gieo sạ giảm giống, từ 65-70% số hộ tham gia ứng dụng giảm phân đạm hoá học và thuốc bảo vệ thực vật.

Tại Đồng Tháp, với hoạt động tích cực của cán bộ nông nghiệp mà công tác tập huấn đào tạo kỹ thuật trồng lúa bền vững cho nông dân theo bộ tài liệu hướng dẫn của dự án và xây dựng các điểm trình diễn được đẩy mạnh. Đến nay có 15.300 hộ nông dân, với diện tích canh tác gần 27.000 ha được đào tạo qua các lớp tập huấn về "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" chiếm trên 80% diện tích sản xuất trong kế hoạch hoạt động dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững. Để nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, các tổ chức nông dân đã thực hiện 19 lớp tập huấn về giống lúa, về giám sát quản lý dịch hại cho cây lúa, 4 lớp về quản lý và phát triển hợp tác xã.

Tỉnh Hậu Giang, ngoài thực hiện dự án giảm lượng giống gieo của Trung tâm KNQG, dự án VnSAT, Sở NN&PTNT Hậu Giang còn thực hiện dự án của tỉnh về xây dựng mô hình áp dụng gieo mạ và cấy lúa bằng máy cấy hiệu quả đã mang lại lợi nhuận cho bà con nông dân là tăng thêm khoảng gần 5 triệu đồng/ha lúa vụ Đông Xuân.

Nguyên nhân đạt năng suất cao

Đó là kết quả của việc giảm lượng giống gieo sạ. Nếu trước đây đa số người dân gieo sạ từ 200 – 260 kg/ha thì hiện nay phần lớn diện tích đã giảm xuống 150 - 180 kg/ha, một số diện tích giảm còn 120 – 140 kg/ha; đặc biệt là áp dụng gieo mạ cấy chỉ cần 50 kg/ha. Chính gieo sạ thưa giúp cho cây lúa đẻ nhánh khoẻ và tăng số giảnh hữu hiệu, giảm sâu bệnh hại.

Ngoài ra, vụ Đông Xuân 2017-2018 tại ĐBSCL gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, không có mưa và không bị hạn kéo dài, ẩm độ không cao, không có cơ hội cho các loại dịch bệnh phát triển, hầu như chỉ một vài địa phương có xuất hiện rầy và sâu năn (muỗi hành) nhưng chưa gây hại lớn nên không ảnh hưởng đến năng suất lúa. Cũng do không có dịch bệnh nên đã hạn chế rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật cũng như công phun sịt thuốc. Trước đây phun sịt 5-6 lần/vụ thì vụ này chỉ từ 1-2 vụ và hầu hết không phun vào sau sạ lúa 40 ngày. Phân bón cũng đã giảm rất nhiều có những diện tích giảm tới 1/3 phân hoá học. Một số bà con nông dân ở Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ,.. còn sử dụng phân sinh học thay thế cho phân hóa học vừa tốt cho cây lúa vừa đảm bảo an toàn cho môi trường và có lợi cho sức khoẻ con người.

Vào vụ thu hoạch trà sớm vụ Đông Xuân 2017-2018 thời tiết không có mưa và nắng đều, lúa không bị đổ ngã giúp chu thu hoạch bằng máy thuận lợi, giảm hao hụt. Chính vì vậy năng suất lúa tại một số diện tích đạt từ 9,0 - 9,7 tấn/ha (Cần Thơ), 8,0 - 8,5 tấn/ha (Đồng Tháp). Nhiều diện tích đạt 7,0-7,5 tấn. Một số nông dân không bán lúa tươi cho thương lái mà tự phơi sấy và trữ lại chờ giá cao mới bán. Giá bán lúa tươi với các giống Jacmin và các giống OM5451, OM9582 cũng được giá hơn so với các vụ trước giúp bà con phấn khởi đi tiếp vào sản xuất vụ Hè Thu.

Làm đất chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu tại xã Trung Hưng , huyện Cờ Đỏ, tỉnh Cần Thơ

Có được sự thay đổi trong nhận thức của người dân về việc giảm lượng giống sạ, không bón nhiều phân hoá học, không phun sịt nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phải nhắc đến tác dụng của các lớp tập huấn đào tạo (THĐT) và công tác thông tin tuyên truyền (TTTT). Các hoạt động này được các cơ quan như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm giống và cây trồng và đặc biệt là Trung tâm Khuyến nông các tỉnh đã phối hợp tốt và thực hiện các hoạt động nhịp nhàng.

Công tác THĐT tập trung giới thiệu cho bà con các gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, tuân thủ kỹ thuật IPM trong sản xuất lúa. Công tác TTTT bằng các hình thức như tài liệu tập huấn, ấn phẩm, tin bài, video, tham quan đầu bờ, tọa đàm qui mô nhỏ tại HTX đã tuyên truyền mạnh mẽ rộng khắp, dần dần làm cho bà con nông dân thay đổi nhận thức, từ đó mà thay đổi hành vi.

Nông dân Cần Thơ ghi nhật ký sản xuất

Nếu nói đến lực lượng nòng cốt thực hiện thành công các hoạt động này, các cấp chính quyền địa phương đều khẳng định thành công của vụ Đông Xuân là có sự đóng góp rất lớn là cán bộ nông nghiệp cơ sở. Trong đó nhiều tỉnh hầu như là lực lượng cán bộ của hệ thống khuyến nông giữ vai trò chủ chốt như tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang,… Cán bộ cơ sở đã tập huấn, hướng dẫn thực hiện mô hình, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và nhất là hướng dẫn ghi chép sổ tay nhật ký sản xuất giúp nông dân hạch toán được chi phí và lợi nhuận, từ đó định hướng cách làm và phương thức áp dụng khoa học kỹ thuật sao cho mang lại hiệu quả cao nhất.

Nâng cao tính bền vững trong sản xuất lúa

Cũng chính nhờ công tác THĐT và TTTT mà dự án VnSAT tại các tỉnh trồng lúa vùng ĐBSCL đã làm thay đổi tập quán sạ mật độ cao sang sạ thưa; bón nhiều phân hoá học, phun nhiều thuốc hoá học sang hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, bón phân sinh học thay cho hoá học. Từ đó nền đất được cải tạo ngày giàu dinh dưỡng và hạn chế ảnh hưởng môi trường và sức khoẻ con người. Đây chính là yếu tố góp phần nâng cao tính bền vững trong sản xuất lúa.

Bên cạnh đó, những giống lúa tiềm năng năng suất cao đang dần bị thoái hoá. Vì vậy, rất cần các cơ quan nghiên cứu cho ra các giống lúa mới có năng suất cao để bà con nông dân sử dụng sẽ nâng cao hiệu quả của chuỗi sản xuất lúa gạo. Đáp ứng nguyện vọng này vụ lúa ĐX 2017-2018 Viện lúa ĐBSCL đã đưa ra bình chọn 24 giống lúa, trong đó 21 giống lúa mới và 3 giống lúa đối chứng (OM5451, OM4900, OM6976). Kết quả cho thấy giống lúa mới triển vọng nhất là OM9577, thứ hai là giống lúa OM108, thứ 3 là giống lúa nếp OM368, đứng thứ 4 có 2 giống là OM359, OM375.

Hy vọng trong thời gian tới những giống lúa mới này sẽ giúp bà con nông dân sẽ tiếp tục sản xuất được những vụ mùa bội thu và thực sự xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững có giá trị kinh tế cao.

Vũ Tiết Sơn