Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/11/2015.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thành Nam cho biết: "Đến nay, diện tích cánh đồng lớn trên cả nước đã đạt trên 550.000 ha, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích thực hiện liên kết lớn nhất là 450.000 ha. Một số mô hình thực hiện liên kết có hiệu quả như Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình, Công ty TNHH Cường Tân (tỉnh Nam Định), Công ty Cổ phần Gentraco – Cần Thơ,…. Các mô hình cánh đồng lớn đều cho hiệu quả rõ rệt, nhưng ở các mức độ khác nhau. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi hecta lúa tham gia trong cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10% đến 15% và giá trị sản lượng có thể tăng 20% - 25%, thu lời thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha. Ở miền Bắc, các mô hình cánh đồng lớn cho hiệu quả kinh tế tổng thể trên 1 ha lúa thấp hơn so với Đồng bằng sông Cửu Long, giá trị sản lượng tăng trung bình từ 17% đến 25% tùy theo từng địa phương”.

Công tác khuyến nông với cánh đồng lớn cho cây lúa và cây trồng khác

Cánh đồng lớn trở thành địa bàn của sự hợp tác, liên kết, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp dịch vụ công, nhất là đào tạo nghề nông nghiệp. Trên diện tích cánh đồng lớn, thực hiện Nghị định số 02/2010/NĐ-CP về Khuyến nông và từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 971/QĐ-TTg về đào tạo nghề nông thôn, nhiều hoạt động khuyến nông, đào tạo nghề nông cho nông dân đã được triển khai.

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức 11 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân liên kết cánh đồng lớn.

Tại Tiền Giang, trong các mô hình sản xuất lúa theo hướng cánh đồng lớn, 100% nông dân đã sử dụng giống lúa chất lượng cao cấp xác nhận, thực hiện quy trình “1 phải 5 giảm” góp phần tăng lợi nhuận cho nông hộ thêm 2,5 – 4 triệu đồng/ha.

Mô hình cánh đồng lớn bước đầu được thực hiện chủ yếu đối với cây lúa nhưng cũng đã bắt đầu mở rộng ra với nhiều cây trồng khác. Một số tỉnh đã xây dựng mô hình cánh đồng lớn trên rau, cây ăn quả và cây công nghiệp như ngô, lạc, chè, cà phê.

Nghệ An đã xây dựng 10 mô hình cho ngô, 8 mô hình cho lạc với diện tích lên đến hơn 1.000 ha.

Tỉnh Quảng Bình xây dựng 435 ha diện tích cánh đồng lớn cho cây ớt và 120 ha cánh đồng lớn cho cây sắn. Trong tương lai sẽ mở rộng mô hình cánh đồng lớn sang các lĩnh vực sản xuất, loại cây trồng khác.

Một số khó khăn

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nêu trên nhưng tình hình phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ xây dựng cánh đồng lớn trong thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Tốc độ mở rộng diện tích liên kết cánh đồng lớn còn chậm (tính chung cả nước, diện tích cánh đồng lớn mới đạt xấp xỉ 4% diện tích canh tác); Tỷ lệ thành công của những hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn thấp, mới chỉ ở mức 20-30% đối với lúa, cao nhất mới được trên 70%; Tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân “bẻ kèo” vẫn còn phổ biến.

Tại Hưng Yên, việc xây dựng vùng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp Định Tường sau 03 năm vận động mới xây dựng được vùng nguyên liệu 35 ha. Tuy nhiên người dân khi tham gia sản xuất không tuân thủ kỹ thuật gieo cấy, giống lúa của doanh nghiệp yêu cầu. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến chế tài xử phạt tình trạng “bẻ kèo” trong liên kết sản xuất và những quy định liên quan đến trách nhiệm của các cấp ngành địa phương, cơ chế lồng ghép dự án, chính sách trên địa bàn thực hiện liên kết theo cánh đồng lớn cũng chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó còn thiếu các tổ chức nông dân hoạt động có hiệu quả. Các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác hiện nay chưa đảm nhận tốt được khâu tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng nông sản theo quy trình sản xuất tiên tiến, hỗ trợ nông dân thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Chưa biết xây dựng các phương án/dự án kinh doanh có hiệu quả. Cũng phải kể đến là do tình trạng đất đai canh tác nhỏ lẻ, hạ tầng phục vụ sản xuất yếu kém. Nhiều tỉnh chưa thực hiện dồn điền đổi thửa hoặc do điều kiện ở miền núi, địa hình bị chia cắt gây khó khăn trong việc xây dựng quy hoạch, khó khăn trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cũng như làm các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu. Hiện nay nhu cầu vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất của các tổ chức và nông dân trong cánh đồng lớn là rất lớn. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp chưa có những cơ chế cho vay phù hợp với điều kiện liên kết sản xuất kinh doanh ở khu vực này.

Nguyên nhân khác nữa là từ những hạn chế của các chính sách đã ban hành. Chính sách chưa tính đến tính đang dạng của các mô hình liên kết ở các vùng miền, lĩnh vực sản xuất khác nhau (lúa, rau, cây ăn quả...): Nếu như những quy định có tính bắt buộc là phải xây dựng các hợp đồng sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm cho nông dân đặc biệt phù hợp với việc phát triển cánh đồng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long thì các mô hình cánh đồng lớn ở Đồng bằng sông Hồng chỉ dừng lại ở việc doanh nghiệp liên kết cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ sản xuất. Mô hình cánh đồng lớn ở các tỉnh phía Bắc cũng đạt được những kết quả rất đáng khích lệ như đã đẩy mạnh việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến (VietGAP,…), đưa giống, phân bón chất lượng cao vào sản xuất, đào tạo nông dân và sản xuất ra nông sản an toàn và có giá trị gia tăng cao hơn. Ngoài ra, các chính sách quy định tại Quyết định số 62 chủ yếu mới phù hợp với sản xuất lúa gạo. Quyết định chưa đề cập đến đối tượng là các tổ hợp tác trong liên kết, xây dựng cánh đồng lớn.

Theo ông Vũ Minh Tú – Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kết 10 năm Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy, mặc dù chính sách đã được quy định trong các văn bản pháp luật nhưng HTX lại gần như chưa tiếp cận được hoặc không được thụ hưởng. Nguyên nhân chính là do chưa có nhận thức đúng, đủ về HTX, chưa có sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương trong việc triển khai hỗ trợ, chưa có nguồn lực đủ lớn và tập trung để hỗ trợ cho HTX. Nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại trong việc xây dựng, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển HTX trong các giai đoạn trước đây, cần có sự thay đổi nội dung và phương thức thực hiện chính sách hỗ trợ.

Thứ trưởng Trần Thành Nam khẳng định: liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn đang là đòi hỏi, hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam trong tương lai nhằm khắc phục những hạn chế và yếu kém của ngành trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn, ông Trần Thành Nam đề xuất, cần xác định lại mô hình liên kết cánh đồng lớn cho phù hợp với điều kiện cụ thể của các vùng miền, địa phương, lĩnh vực sản xuất.

Đối với việc liên kết sản xuất và tiêu thụ, cần được bổ sung vào Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn ban hành kèm theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Khi đó, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp được hưởng các chính sách theo quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP. Chính phủ bố trí kinh phí thực hiện các chính sách ban hành theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Tăng cường chế tài xử lý và quy định rõ hơn trách nhiệm của chính quyền và các ban ngành trong hỗ trợ thực hiện liên kết, xây dựng Cánh đồng lớn ở địa phương.

Ngọc Huệ - Diệp Lục Tố