Việc trồng nhiều loại rau màu khác nhau một cách tự phát, không có kỹ thuật trên những thửa ruộng của mỗi hộ dân trước đây đã bị xóa bỏ. Hiện nay toàn bộ cánh đồng đã trồng các giống cây rau màu theo hợp đồng của công ty, áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo trồng đến khâu thu hoạch, được bao tiêu sản phẩm đã giúp đời sống người dân nơi đây đổi thay từng ngày. 

Đến vùng liên kết quả xuất xã Hồng Lạc lúc nào cũng trong tình trạng xanh ngát, hàng ngày từ 3-4 giờ chiều bà con lại tất bật thu hoạch để chờ người công ty đến thu mua.

Ông Nguyễn Quang Toàn, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tham gia Dự án "Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn tại miền Bắc" cho biết: Từ khi dự án được triển khai, đã hỗ trợ về vốn, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật để mở rộng diện tích rau màu đạt tiêu chuẩn VietGAP; tìm hiểu và gắn kết thị trường tiêu thụ sản phẩm, hình thành các chuỗi cung ứng, tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Qua dự án đã giúp công ty TNHH MTV rau củ quả an toàn Thanh Hà và người dân thôn Bắc xã Hồng Lạc huyện Thanh Hà liên kết được với nhau để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 Liên kết giúp người nông dân yên tâm sản xuất

Theo tìn hiểu, để đảm bảo rau sạch theo tiêu chuẩn, người dân được công ty mời các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT về tập huấn, hướng dẫn, bên cạnh đó công ty cũng cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám đồng tham gia chỉ đạo, hướng dẫn bà con từ khâu làm đất đến khi thu hoạch để đảm bảo sản phẩm theo yêu cầu sạch, an toàn. Để người dân yên tâm sản xuất, đảm bảo nguồn cung cấp ổn định công ty cam kết bao tiêu sản phẩm, không những thế còn cam kết trợ giá từ 10-20% khi giá thị trường xuống thấp.

Tìm hiểu về thành công này của mô hình này được biết, những năm trước đây bà con nơi đây cũng đã trồng các loại rau màu để bán, nhưng với số lượng ít, chất lượng rau, cũng như việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật không có, không đồng bộ nên hiệu quả không cao, thu nhập bấp bênh, thị trường không ổn định luôn trong tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Chị Nguyễn Thị Hồng, hộ nông dân trồng rau trong vùng liên kết sản xuất cho biết: “Trước đây, gia đình chúng tôi cũng đã trồng rau, nhưng rau trồng không có kỹ thuật, đầu ra bấp bênh, nhưng từ khi liên kết sản xuất với công ty TNHH MTV rau của quả an toàn Thanh Hà, chúng tôi được tập huấn kỹ thuật, được bao tiêu đầu ra không những chi phí nhân công, thuốc BVTV giảm mà hiệu quả kinh tế cao, và điều quan trọng là không lo đầu ra”.

Có thể thấy mô hình sản xuất nông nghiệp tại xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà là hướng đi mới trong phát triển kinh tế tập thể, giúp cải thiện năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và giá thành cho người nông dân. Đây cũng là hiệu quả từ sự liên kết chặt chẽ "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình vừa thay đổi tư duy sản xuất lạc hậu của người dân nơi đây, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định đầu ra nên sắp tới huyện sẽ kêu gọi thêm các doanh nghiệp phối hợp nhân rộng hình thức sản xuất này sang các địa bàn khác của huyện. 

Là một xã thuần nông, mô hình đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân Hồng Lạc, huyện Thanh Hà từ tăng thu nhập kinh tế, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, qua đó hình thành nên vùng trồng màu sạch, an toàn cung cấp cho thị trường. Những gì đã và đang diễn ra phần nào minh chứng cho sự đúng đắn, cần thiết của sự liên kết "4 nhà" phù hợp với sự phát triển của xã hội trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Lê Khoa

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương