Nuôi ong lấy mật ở xã An Bình đã có từ lâu, nhưng chủ yếu là tự phát ở các gia đình nên còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của người dân. Thế nhưng vài năm trở lại đây, nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại chịu ít rủi ro nên xã đã thành lập Chi hội nuôi ong để mở rộng quy mô, tăng thêm số lượng đàn và đưa nghề nuôi ong mật trở thành một hướng đi tiềm năng góp phần cải thiện đời sống.

Chi hội nuôi ong lấy mật tại xã An Bình, huyện Lạc Thủy được thành lập năm 2011 gồm 18 hội viên. Hội nuôi ong được thành lập để liên kết các hộ nuôi ong nhỏ lẻ, từ đó tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm trong cách nuôi và chăm sóc đàn ong qua từng thời kỳ, giúp cho sản lượng và chất lượng mật được tăng lên. Hiện nay hội nuôi ong của xã có tổng số 1.077 đàn ong (hộ nuôi ít 10- 15 đàn, hộ nuôi nhiều gần 100 đàn). Các hội viên đều tự nuôi, trông nom, bảo vệ đàn ong tại gia đình, song họ thường gặp nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chọn giống, kỹ thuật nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao và sản xuất ra nhiều mật. Đến kỳ thu hoạch, các thành viên cùng giúp nhau thu hoạch mật. Sản phẩm mật ong của các hộ trên địa bàn xã được thị trường ưa chuộng bởi chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Ngoài tiêu thụ trong huyện, sản phẩm mật ong của xã An Bình còn đến được với khách hàng ngoại tỉnh. Năm 2018 sản lượng mật ong của chi hội đạt gần 10.000 kg, giá bán 100.000 đồng/kg. Ngoài khai thác mật, các hộ còn bán 245 đàn ong giống với giá 700.000 đồng/đàn, mang lại tổng thu nhập từ con ong trên 1 tỷ đồng (bình quân 1 hộ nuôi ong thu được 65 triệu đồng).

Các hội viên thường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong lấy mật

Ông Đinh Xuân Cẩm - Chi hội trưởng chi hội nuôi ong xã An Bình cho biết: Đối với nghề nuôi ong, điều quan trọng là phải chọn được ong chúa khỏe mạnh. Bên cạnh đó, ong mật có đặc tính tổ chức bầy đàn cao và nhạy cảm với thời tiết, ánh sáng, nhiệt độ. Vì vậy, người nuôi phải nắm bắt được các đặc tính cơ bản này để có biện pháp chăm sóc thích hợp. Có như vậy, đàn ong mới khỏe mạnh, cho năng suất và chất lượng mật cao.

Ông Cẩm chia sẻ thêm: Do kinh nghiệm nuôi ong được tích lũy nhiều, nắm bắt được các đặc tính của ong, nên sản lượng mật ong thu được năm sau cao hơn năm trước. Để việc nuôi ong lấy mật tại địa phương thực sự có hiệu quả, lượng mật nhiều hơn, mong muốn các cấp chính quyền quan tâm nhiều hơn nữa, quản lý chặt chẽ, hạn chế triệt để những hiện tượng ong ngoại lai sâm nhập vào địa bàn.

Đồng chí Quách Công Mười - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi ong lấy mật, vốn đầu tư ít, nhưng mang lại hiệu quả cao, còn tạo công ăn việc làm cho người lao động lúc nông nhàn, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi giới miễn là có sự đam mê về nuôi loài này. Với những hiệu quả ban đầu mang lại, thời gian tới xã An Bình sẽ phối hợp với Chi hội nuôi ong tiếp tục phát triển, thu hút nhiều hội viên tham gia, mở rộng quy mô, tăng thêm số lượng đàn, đưa nghề nuôi ong mật trở thành một hướng đi tiềm năng, giúp đưa kinh tế gia đình của các hộ dân trong xã ngày một phát triển, góp phần xây dựng kinh tế địa phương ngày càng giàu mạnh./.

Thanh Hằng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình