Tháng 8 năm 2016 xã An Lạc đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Ớt Việt Nam triển khai mô hình trồng ớt lai xuất khẩu. Tham gia mô hình gồm 19 hộ nông dân ở các thôn An Phú, Lộc Thành với diện tích 3,5 ha. Giống ớt được lựa chọn là giống ớt số 7 (ớt lai Trung Quốc). Thời gian sinh trưởng, phát triển khoảng 2 tháng là cây ớt cho thu hoạch.

Là lần đầu tiên xã An Lạc đưa cây ớt về trồng tại địa phương nên bà con đều hồi hộp, lo lắng. Chính vì thế các hộ tham gia vào mô hình đều tuân thủ đúng quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh…

Đến thời điểm này giống ớt số 7 sinh trưởng xanh tốt, cho trái nhiều, mẫu mã quả chín đẹp. Trên những cánh đồng trồng ớt bà con nông dân đang tất bật thu hoạch, niềm vui mừng phấn khởi hiện trên từng khuôn mặt vì ớt được mùa, được giá. Năng suất trung bình đạt từ 1,2 – 1,5 tấn quả/sào. Giá bán lúc được cao 10.000 đồng/kg, và thấp nhất công ty thu mua là 5.000 đồng/kg. Nếu tính giá cả thấp nhất thì mỗi sào ớt của người dân trồng cũng cho thu lãi khoảng 5 triệu đồng, so với cấy lúa, trồng ngô cao gấp nhiều lần (1 sào = 360 m2).

Ông Ngô Văn Quân, thôn An Phú tham gia trồng 8 sào ớt chia sẻ: “Đây là giống ớt dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay gia đình tôi thu được 6 lứa và đạt 4 tấn quả. Tôi rất phấn khởi vì giống ớt này cho năng suất cao và đầu ra sản phẩm các hộ làm ra được Công ty ớt Việt Nam bao tiêu hết. Từ giờ đến hết vụ khoảng là tháng 4, tháng 5/2017 chắc còn thu được khoảng 1 – 2 tấn quả nữa. Hạch toán kinh tế đến hết vụ gia đình tôi cũng thu về được 40 – 50 triệu đồng”.

Không chỉ có gia đình ông Quân thu nhập cao từ trồng ớt xuất khẩu mà rất nhiều các hộ trồng ớt tại thôn An Phú cũng có thu nhập khá, giúp các hộ ổn định cuộc sống, có tiền mua sắm các vật dụng sinh hoạt trong gia đình.

Nhờ trồng ớt xuất khẩu mà nhiều hộ nông dân xã An Lạc đã có thu nhập khá

Ông Bùi Văn Oai – Phó chủ tịch UBND xã An Lạc cho biết: “Đến thời điểm này có thể nói mặc dù là lần đầu tiên trồng giống ớt xuất khẩu nhưng đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho người dân. Cây ớt phù hợp với đồng đất ở địa phương, đầu ra cho sản phẩm tương đối ổn định. Theo đánh giá của xã thì mỗi hécta ớt cho thu nhập từ 200 – 250 triệu đồng. Từ thành công của mô hình thí điểm, trong thời gian tới 2017 xã An Lạc đã đăng ký với huyện sẽ mở rộng diện tích trồng ớt xuất khẩu lên 15 ha, nhằm giúp các hộ dân có thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương”./.

Đình Thủy

Trung tâm khuyến nông Hòa Bình