Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu tháng 02/2019 đến ngày 08/7/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 4.550 xã, 501 huyện của 62 tỉnh, thành phố (chưa qua 30 ngày); tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy khoảng 3,3 triệu con (chiếm trên 9% tổng đàn lợn); trong thực tế đã có 106 xã thuộc 22 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh. Cả nước còn tỉnh Ninh Thuận chưa có bệnh DTLCP.

Ngay từ khi bệnh DTLCP xuất hiện tại Trung Quốc vào tháng 8/2018 đến nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể và sát sao; Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã triển khai quyết liệt. Trong giai đoạn đầu, bệnh phát sinh ở nhiều nơi song phạm vi nhỏ lẻ, số lượng lợn phải tiêu hủy ít; đến nay đã có 733 xã thuộc 202 huyện của 40 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Tuy nhiên, do đặc thù của vi rút DTLCP rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc - xin phòng bệnh; vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát; đặc biệt từ đầu năm đến nay thời tiết diễn biến rất phức tạp, trái quy luật, tạo điều kiện rất thuận lợi cho vi rút DTLCP lây lan, gây bệnh. Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh và lây lan theo 03 hướng sau: (1) Dịch bệnh dễ dàng phát tán, lây lan nhanh và lan tỏa đến các địa bàn (cấp xã, huyện) chưa có dịch; (2) Tái phát các ổ dịch cũ qua 30 ngày; (3) Dịch bệnh xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn.

Toàn cảnh hội nghị

Theo báo cáo tại hội nghị của Tập đoàn Quế Lâm, quy trình chăn nuôi lợn hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh của Tập đoàn là một quy trình tổng hòa, hoàn chỉnh về kỹ thuật từ chuồng nuôi, con giống, thức ăn, nước uống, ở hầu hết các khâu của quy trình đều được bổ sung chế phẩm vi sinh phù hợp đã cải thiện được hàng rào bảo vệ, đáp ứng miễn dịch, cải thiện tiêu hóa thức ăn… Chế phẩm sinh học phối kết hợp với các kỹ thuật chăn nuôi hữu cơ tạo nên một hàng rào bảo vệ cho từng cá thể lợn nuôi, từng diện tích chuồng nuôi và cả hệ thống chuồng nuôi nên dịch bệnh không có điều kiện tấn công. Đàn lợn được bảo vệ và vượt qua được các đợt dịch, chất lượng thịt cao, an tâm cho người chăn nuôi và bảo vệ môi trường.

Đại diện Công ty Amavet cho biết, ngoài đảm bảo cách ly, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêu hủy đàn lợn bị bệnh triệt để, đúng cách, Công ty đã sử dụng sản phẩm Kangjuntai - chất kháng khuẩn, kháng virus để tăng sức đề kháng, tăng khả năng tiêu hóa, ngăn chặn sự xâm nhiễm của virus - vi khuẩn vào cơ thể vật nuôi, giúp bảo vệ được đàn lợn.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long, huyện Thanh Oai, Hà Nội chia sẻ, Hợp tác xã nuôi hơn 6.000 con lợn hiện vẫn an toàn. Ông nhấn mạnh, lý do chính Hợp tác xã giữ được đàn lợn đến thời gian này là nhờ sử dụng chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với men vi sinh và tuân thủ các quy trình đảm bảo an toàn. Đặc biệt, Hợp tác xã có khu chăn nuôi khép kín, cách xa khu dân cư và hạn chế được phương tiện cũng như người ra vào.

Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh Hưng Yên, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Cà Mau và Kiên Giang đã nêu các kiến nghị tập trung vào các nội dung: Công tác kiểm soát các cơ sở giết mổ tập trung cần phải chặt chẽ hơn nữa; Kiểm tra lại công tác tiêu hủy lợn bệnh để tránh tình trạng gieo rắc dịch tại các địa phương; Đề nghị Bộ có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển đổi chăn nuôi, điều chỉnh lại chính sách hỗ trợ theo hướng hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi an toàn sinh học…
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời phỏng vấn trong khuôn khổ hội nghị
 

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, qua thực tiễn gần 6 tháng xảy ra DTLCP, chúng ta xác định phương châm: “Với loại dịch này phải thích nghi, sống chung với nó”. Qua thực tế triển khai của các đơn vị, đủ thời gian, đủ thực tiễn khẳng định: “Nếu như giải quyết an toàn sinh học càng triệt để, hoàn toàn khống chế được dịch bệnh dịch tả nói riêng và tới đây những bệnh khác”. Giải pháp tổng thể hiện nay là thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học ở mức độ cao nhất, cả 2 nhóm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các trang trại lớn đều phải thực hiện nghiêm túc giải pháp này.

Bộ trưởng đề nghị: Tất cả những điểm kiến nghị từ xét nghiệm, tiêu hủy, khử trùng, giết mổ đến vận chuyển của các địa phương cần được sớm tổng hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình chủ động điều hành ứng xử với dịch bệnh để địa phương thực hiện tốt nhất. Đẩy nhanh công tác nghiên cứu vắc-xin và chế phẩm (đẩy nhanh tiến độ khâu khảo nghiệm, tần suất thực hiện; hoàn thiện sớm quy trình kiểm nghiệm, khảo nghiệm, công nhận quy trình…). Về tái đàn, chỗ nào thực sự an toàn về dịch thì khuyến khích người dân tái đàn. Phát triển các sản phẩm khác theo tinh thần chung chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ đó là: đại gia súc, gia cầm, thủy sản và các thực phẩm khác để cuối năm nay không xảy ra chuyện thiếu thực phẩm. Bộ trưởng lưu ý, các cơ quan chuyên môn của Bộ chuẩn bị tích cực, đúng kế hoạch tổng kết chiến lược chăn nuôi, hoạch định lại và hoạch định tiếp để ngành chăn nuôi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào chuỗi xuất khẩu toàn cầu.

Hải Đường