Tham dự Hội thảo có khoảng 150 đại biểu thuộc các đơn vị: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, Trung tâm khuyến nông tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng sinh thái trong cả nước, cán bộ khuyến nông, nông dân tiêu biểu và một số cơ quan báo, đài của tỉnh Vĩnh Long.

Trong tiến trình phát triển của đất nước, nông nghiệp đô thị đang ngày càng phát triển cùng với sự mở rộng của đô thị. Vai trò của nông nghiệp đô thị khá đa dạng và có những điểm khác với sản xuất nông nghiệp truyền thống ở khu vực nông thôn như: trình độ dân trí cao, dễ dàng tiếp cận các tiến bộ khoa học mới, thuận lợi trong việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu cả về lương thực, thực phẩm cũng như văn hóa, giải trí của người dân,… Nhu cầu về phát triển nông nghiệp đô thị hiện nay là rất lớn và thu hút được sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như đại bộ phận nông dân khu vực nội đô và ven đô với mong muốn có được nguồn lương thực, thực phẩm sạch, an toàn, tạo cảnh quan môi trường sống xanh – sạch – đẹp, từ đó góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Để đáp ứng các nhu cầu đó, trong thời gian qua hoạt động khuyến nông ở các khu vực đô thị và cận đô thị đã có những đổi mới, thích ứng với điều kiện, tình hình mới. Hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành phố đã xây dựng được nhiều mô hình trình diễn, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền về các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị. Những điểm sáng trong hoạt động khuyến nông đô thị như: mô hình trồng rau an toàn ở Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Tp. Hồ Chí Minh; mô hình trồng hoa, cây cảnh, nuôi cá cảnh ở Hà Nội, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long; mô hình nuôi thủy sản an toàn ở Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế; mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản ở Vĩnh Phúc, Bình Phước, Tiền Giang;…

Tại cuộc hội thảo, Trung tâm khuyến nông các tỉnh là thành viên của CLBKN đô thị chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động khuyến nông đô thị có hiệu quả để từ đó có thể phổ biến, nhân rộng. Cụ thể: Trong quá trình hoạt động khuyến nông cần có sự vào cuộc, tham gia của chính quyền địa phương các cấp; Căn cứ vào điều kiện, nhu cầu thực tế của mỗi địa phương để lựa chọn nội dung, mô hình khuyến nông phù hợp đáp ứng hiệu quả cả về kinh tế - xã hội – môi trường; Đặt mục tiêu an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái là tiêu chí hàng đầu; Huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình cung cấp giống, vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân; Hệ thống khuyến nông cần chủ động tiếp cận, nắm bắt những tiến bộ kỹ thuật mới để tập huấn, thông tin, tư vấn cho nông dân.

Kết luận hội thảo, TS. Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề xuất, để tiếp tục nhân rộng, phát triển hoạt động khuyến nông đô thị trong thời gian tới, hệ thống khuyến nông cần thực hiện một số biện pháp, giải pháp: (i) Tăng cường năng lực, kiến thức cho cán bộ khuyến nông các cấp, coi nguồn lực con người là chìa khóa để thành công; (ii) Mỗi tỉnh, thành phố cần xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch hoạt động khuyến nông đô thị phù hợp với điều kiện của địa phương; (iii) Khuyến khích, đẩy mạnh các hình thức tư vấn, dịch vụ khuyến nông phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng khác nhau; (iv) Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin và liên kết, hợp tác giữa trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành phố để hoạt động hiệu quả hơn.

Nguyễn Bá Tiến

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia