Tham dự hội thảo có các đơn vị thuộc Tổng cục thủy sản, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3; Sở Nông nghiệp&PTNT, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản, đại diện một số doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở nuôi tôm và các tra tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Toàn cảnh hội thảo

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong 4 năm (2015- 2018) với sự nỗ lực của Tổng cục Thủy sản, các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý thủy sản địa phương cùng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quan trắc môi trường đã thiết lập, duy trì hoạt động phối hợp triển khai các hoạt động quan trắc môi trường và phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt đã khắc phục và tạo được cơ chế phối hợp thu mẫu, phân tích, trả kết quả (thông báo kết quả, cảnh báo và khuyến cáo các biện pháp hạn chế ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ) cho người nuôi; đào tạo ngắn hạn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý làm công tác quan trắc môi trường tại địa phương; ban hành Sổ tay hướng dẫn quy trình quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản; xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường từ Trung ương đến địa phương.

Đến nay đã có 38 tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ quan trắc môi trường, giao Chi cục Thủy sản/Chi cục Thú y thực hiện; cả nước có 404 điểm quan trắc môi trường nước nuôi tôm nước lợ, cá tra 137 điểm, nhuyễn thể 2.239 điểm, cá rô phi/cá lồng bè 3.892 điểm, tôm hùm 59 điểm.

Theo kết quả quan trắc môi trường nước cấp vùng nuôi cá tra tập trung ở khu vực sông Tiền và sông Hậu (vùng ĐBSCL), nhiệt độ nước dao động từ 27- 33oC, pH = 7-8, nằm trong khoảng giới hạn thích hợp cho nuôi cá tra. Vào mùa khô, giá trị pH ghi nhận được trên toàn vùng khảo sát có khuynh hướng cao hơn so với mùa mưa. Đối với các nhánh sông chính (sông Tiền và sông Hậu), hàm lượng oxy hòa tan dao động từ 2,3- 7,5 mg/l, nằm trong phạm vi tương đối thích hợp cho nuôi cá tra (>2mg/l). Hàm lượng TSS vào mùa mưa cao hơn mùa khô ở hầu hết các vị trí thu mẫu của cả sông Tiền và sông Hậu. Các thông số chỉ thị ô nhiễm như ammonia, nitrite, phosphate, COD trong hầu hết các thuỷ vực đều có xu hướng giảm so với năm 2016. Trong đó ghi nhận hàm lượng nitrite tăng trong mùa mưa. Hàm lượng ammonia không có biến động lớn giữa các điểm quan trắc, riêng các điểm quan trắc thuộc nhánh sông Hậu hàm lượng ammonia tăng khi về hạ nguồn. Lượng vật chất hữu cơ trong các thủy vực được quan trắc trên tuyến sông Hậu, sông Tiền biến đổi không lớn trong suốt quá trình quan trắc, hàm lượng COD giảm so với năm 2016, chưa ghi nhận hiện tượng tích lũy hữu cơ trong thủy vực qua các năm. Chưa ghi nhận sự hiện diện của các loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm họ cúc và Carbamate ở khu vực sông Tiền và sông Hậu. Kim loại nặng Cd, Pb, Hg được phát hiện ở các điểm quan trắc thuộc sông Tiền và sông Hậu, tuy nhiên nồng độ không cao và chưa vượt giới hạn. Aeromonas tổng số có khả năng gây bệnh xuất huyết trên cá tra được tìm thấy trên hầu hết các điểm quan trắc và các tháng trong năm với mật độ trung bình từ 100-105 CFU/ml nước kênh cấp phục vụ nuôi cá tra ở khu vực sông Tiền và Sông Hậu. Mật độ Aeromonas tổng số trong các thuỷ vực thuộc An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp năm 2017 đều giảm so với 2016 và tăng nhẹ trong năm 2018.  Đối với vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan thận mủ trên cá tra chỉ ghi nhận dương tính rải rác một số kênh cấp và tần suất xuất hiện nhiều hơn trong mùa mưa năm 2017 và mùa khô năm 2018. Tần suất xuất hiện vi khuẩn này tập trung nhiều vào tháng 4 và tháng 5 năm 2018.

Kết quả quan trắc môi trường nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ cho thấy,  vào mùa mưa, các tuyến kênh ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh thuộc vùng Bắc sông Hậu và các tuyến kênh bị ảnh hưởng của việc thoát lũ sông Hậu ra biển Đông như kênh 9000, kênh Xáng thuộc tỉnh Bạc Liêu đã bị ngọt hóa, độ mặn giảm thấp xấp xỉ 5‰. Các kênh cấp khác thuộc tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, độ mặn vẫn duy trì ở mức cao (10‰), phù hợp cho nuôi tôm nước lợ. Hầu hết các kênh cấp đều có giá trị pH phù hợp cho nuôi trồng thủy sản (7- 8,5). Các thông số chỉ thị ô nhiễm hữu cơ như ammonia, nitrite, phosphate, COD đều ghi nhận có hiện diện trong thuỷ vực khảo sát và một số thuỷ vực và vượt giới hạn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT và QCVN 02-19:2014/BNNPTNT. Ghi nhận hàm lượng các chất này tăng cao trong mùa mưa, trong khi đó hàm lượng oxy hoà tan có xu hướng giảm, có khi xuống thấp hơn 1mg/l, qua đó cho thấy trong mùa mưa sự cuốn trôi mùn bã hữu cơ vào các kênh cấp làm gia tăng các chất hữu cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Tại điểm quan trắc thuộc tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau có hàm lượng các chất chỉ thị ô nhiễm hữu cơ cao, có dấu hiệu của hiện tượng tích luỹ ô nhiễm hữu cơ trong thuỷ vực. Kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật được quan trắc với tần suất 2 lần trong năm, kết quả cho thấy trong các thủy vực được quan trắc chưa ghi nhận sự hiện diện của Hg và thuốc bảo vệ thực vật; đối với Pb và Cd có hiện diện trong các thuỷ vực tuy nhiên hàm lượng rất thấp và chưa vượt giới hạn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

Theo dự báo của Trung tâp Khí tượng thủy văn Trung ương, những tháng cuối năm 2018 và năm 2019, thời tiết khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bất lợi đến nuôi trồng thủy sản, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên thủy sản nuôi là rất lớn. Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

1. Nhiệm vụ trước mắt:

- Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế thấp nhất nguy cơ bùng phát bệnh cần rà soát kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở nuôi xả thải trực tiếp chất thải chưa được xử lý sau mỗi vụ nuôi ra ngoài môi trường;

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cơ sở nuôi trong việc thu gom và xử lý chất thải sau mỗi vụ nuôi để bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản;

- Rà soát quy hoạch vùng nuôi tại các địa phương, nhất là các vùng nuôi đang có dấu hiệu ô nhiễm nhưvùng nuôi tôm nước lợ, tôm hùm (mật độ thả nuôi, hệ thống xử lý nước thải, mật độ lồng bè nuôi...;

- Tăng cường tần suất quan trắc và giám sát môi trường tại các vùng nuôi có nguy cơ môi trường ô nhiễm, vào thời điểm giao mùa, mưa lũ... Nâng cao chất lượng các bản tin quan trắc môi trường và phát hành bản tin quan trắc nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

2. Nhiệm vụ lâu dài:

- Định kỳ báo cáo và cập nhập kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường về Tổng cục Thủy sản để tổng hợp làm căn cứ chỉ đạo sản xuất;

- Bố trí đủ nguồn lực triển khai công tác quan trắc, cảnh báo môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thủy sản.

- Chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh:

+ Thực hiện nuôi trồng thủy sản theo đúng các quy hoạch đã được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt; Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không thực hiện đúng quy hoạch;

+ Thực hiện nghiêm túc Điều 32, Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & PTNT về quan trắc, cảnh báo môi trường;

+ Thiết lập mạng lưới quan trắc tại địa phương: Thành lập các Trung tâm hoặc Trạm quan trắc môi trường do các tỉnh quản lý; tiến hành các nội dung quan trắc chuyên sâu về môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản theo đặc thù của từng địa phương để phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo sản xuất và xử lý ô nhiễm thuộc địa bàn quản lý;

+ Xây dựng và phê duyệt kế hoạch, bố trí kinh phí triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường hàng năm để phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất; đào tạo tập huấn cho cán bộ làm quan trắc môi trường...

+ Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo và chia sẻ thông tin quan trắc và cảnh  báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản kịp thời.

Nguyễn Văn Bắc

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia