Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường đại học cùng gần 100 nông dân tiêu biểu đến từ các tỉnh/ thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương và Thái Bình. TS. Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham dự và phát biểu khai mạc hội thảo.

Ban chủ tọa hội thảo

Chủ trì hội thảo có bà Hạ Thúy Hạnh - PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi, ông Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi.

Hiện nay, ngành chăn nuôi đang có nhiều khởi sắc, sản lượng thịt hơi các loại trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,27 triệu tấn, tăng 3,49% so với 6 tháng đầu năm 2017. Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu được sang những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Đạt được các kết quả nêu trên là nhờ việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Trong đó, hoạt động khuyến nông đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bao gồm các lĩnh vực như giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật, thiết bị chăn nuôi, xử lý môi trường chăn nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh… Thông qua các hoạt động khuyến nông những mô hình tiêu biểu, có hiệu quả đã được lan toả và nhân rộng.

Qua các báo cáo tại hội thảo của một số đơn vị: Công ty TH True Milk, Công ty Biospring, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà, Công ty TNHH đầu tư và phát triển Nam Thái, Công ty cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ; Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, Trung tâm gia súc lớn Trung ương… cho thấy trong những năm gần đây các doanh nghiệp đã có nhiều đột phá trong việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Công ty TH True Milk giới thiệu đến hội thảo ứng dụng công nghệ phôi trong chăn nuôi bò sữa. Công nghệ phôi trên bò sữa được nghiên cứu và ứng dụng ở nước ta thập niên 80, 90 của thế kỷ 20. Năm 1986, bê đầu tiên sinh ra từ cấy truyền phôi đông lạnh, cho tới nay ở nước ta chưa có nghiên cứu về phôi phân ly giới tính, phôi phân ly giới tính đông lạnh. Từ năm 2015, TH True Milk tiến hành nhập phôi phân ly giới tính đông lạnh cấy truyền trên đàn bò của đơn vị. Tỷ lệ đậu thai cấy phôi phân ly giới tính đông lạnh đạt bình quân 45,30%.

Tại hội thảo, Công ty Biospring giới thiệu nội dung công nghệ vi sinh hàng đầu thế giới để tạo ra những sản phẩm probiotics và dinh dưỡng vật nuôi chất lượng nhất, phù hợp với đặc tính phát triển của từng loài vật nuôi và khí hậu, thổ nhưỡng ở Việt Nam. Với những tính năng ưu việt, không chứa hoocmon và kháng sinh probiotics giúp vật nuôi tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên, phát triển khỏe mạnh, hạn chế kháng sinh trong chăn nuôi. Chế phẩm probiotics chịu nhiệt của Công ty chứa nha bào của vi khuẩn Bacillus, bao gồm B.subtilis, B. coagulans, B.lichenifomis. Các vi khuẩn được chọn lọc đến dòng (strain) và được xác nhận là an toàn. Chủng gốc Bacillus được tuyển chọn, phân lập từ Trung tâm nghiên cứu vi sinh và công nghệ sinh học thuộc Đại học Royal  Holloway, Đại học Luân Đon - Anh Quốc.  Hiện tại, Biospring là đơn vị chuyển giao độc quyền tại Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo về một số công nghệ được ứng dụng trong công tác sản xuất và cải tiến giống lợn, Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, hệ thống các trang trại chăn nuôi gia công gà, lợn với qui mô lớn, trang thiết bị hiện đại, tự động hóa và thân thiện với môi trường. Trang trại nuôi lợn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại với hệ thống làm mát sử dụng cảm biến nhiệt độ hoàn toàn tự động; hệ thống cung cấp thức ăn tự động; công nghệ khai thác tinh được bảo vệ nghiêm ngặt từ khâu khai thác tinh, kiểm tra chất lượng, đóng gói, bảo quản, phối giống đến nái đẻ. Sản phẩm lợn thịt đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm theo qui định của pháp luật và tiêu chuẩn HACCP. Bên cạnh đó, Dabaco có hệ thống các trang trại nuôi giữ, lai tạo lợn giống gốc cụ kị, ông bà thuộc các giống Duroc, Piteran, Landat, Yorshire được nhập khẩu từ Canada, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Mỹ… và sản xuất con giống hạt nhân, giống bố mẹ, giống thương phẩm, tinh lợn cung cấp cho hệ thống chăn nuôi gia công của tập đoàn và bán ra thị trường.

Công ty cổ phần dinh dưỡng Hồng Hà chia sẻ công nghệ thức ăn dành cho lợn con, lợn nái. Theo đó, các loại thức ăn tập ăn và sau cai sữa được thiết kế nhằm tăng tối đa năng suất tăng trưởng cho lợn giai đoạn trước và sau cai sữa… Tập trung vào cân bằng dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe đường ruột của lợn con. Thiết kế cho lợn con theo mẹ tập ăn và cho giai đoạn đầu sau cai sữa, đảm bảo an toàn tiêu hóa cho lợn con, đảm bảo lợn con sinh trưởng tối đa, đạt lợi ích ngay từ giai đoạn đầu và tốt hơn trong toàn đời nuôi. Công ty đã giới thiệu công nghệ cám lợn nái 1430 với mật độ siêu cao acid amin và năng lượng, chất chống oxy hóa tự nhiên, công nghệ xơ lên men... Đây là công nghệ thức ăn cho lợn nái rất quan trọng, bởi vì sữa của lợn nái cung cấp kháng thể và gần 95% nguồn dinh dưỡng cho lợn con.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi, thú y tại Hải Phòng tập trung nhiều về lĩnh vực giống (sản xuất giống, chuyển giao các giống tiến bộ trong chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy cầm, trâu bò), chuồng trại (công nghệ chuồng kín, chuồng lạnh có hệ thống điều hòa tiểu khí hậu chuồng nuôi), trang thiết bị (máng ăn, máng uống tự động; máy nghiền, trộn thức ăn; bồn chứa, xylo, dây chuyển cấp thức ăn tự động...); xử lý chất thải chăn nuôi (công nghệ hầm Biogas, bể xử lý hướng dòng sau biogas - bể BAST, đệm lót sinh học, hố ủ phân...), quy trình sản xuất chăn nuôi (an toàn sinh học, VietGAHP...), công nghệ, dây chuyền giết mổ, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hiện đại, các đột phá mới về ứng dụng công nghệ vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi... Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi tại Hải Phòng đã làm tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần nâng cao giá trị, tạo đà cho việc xây dựng và phát triển các vùng chăn nuôi tập trung…

Chia sẻ tại hội thảo, ông Bùi Minh Họa - chủ Trang trại Đảo Bầu (Hải Phòng) cho biết, trong những năm qua Trang trại Đảo Bầu đã tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật trong nước, quốc tế, trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, với sự hỗ trợ tích cực về kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, trung bình 1 năm trang trại xuất bán 8.000 con lợn thịt, thu 4 vạn quả trứng gà… Hiện nay, trang trại đang nuôi 6.000 con gà giống, 600 con ngan cụ kị. Riêng về lĩnh vực thủy sản, trang trại cấp ra thị trường mỗi năm 700 - 800 tấn, hàng trăm triệu con cá giống/năm. Trong 3 năm gần đây, trang trại đã và đang nghiên cứu giống tôm thẻ chân trắng vốn chỉ quen sống ở vùng biển mặn, hiện đã có thể thả nuôi trong ao nước ngọt sinh trưởng và phát triển tốt.

Hội thảo cũng chia sẻ ý kiến của trung tâm khuyến nông các tỉnh: Nghệ An, Hà Nam, Hải Phòng và Bắc Ninh về việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực chăn nuôi, những đề xuất kiến nghị của các địa phương có ý nghĩa góp phần trong việc điều chỉnh các nghiên cứu trong thời gian tới cho phù hợp với thực tiễn sản xuất.

Các đại biểu thăm khu giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp

Các nội dung trao đổi tại hội thảo được sự thống nhất cao của lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi là chìa khóa rất quan trọng để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và phát triển chăn nuôi bền vững. Nhiều hộ chăn nuôi sản xuất với quy mô lớn, đã có kiến thức nền về chăn nuôi có khả năng tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi nhanh và hiệu quả. Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thông qua kênh khuyến nông các cấp, thông qua các lớp đào tạo tập huấn sẽ giúp các hộ chăn nuôi nâng cao kiến thức về chăn nuôi nông hộ, do vậy việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật được vận dụng tốt tại từng hộ và nhân rộng tại địa phương.

Hải Đường