Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông và các cộng tác viên khuyến nông, chủ trang trại, HTX, nông dân chủ chốt thuộc 05 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ…

Toàn cảnh Hội thảo

Trong những năm qua, với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, các tỉnh miền núi phía Bắc đã phát triển mạnh về trồng cây ăn quả đặc sản, trong đó cây có múi chiếm tỷ lệ cao. Với kinh nghiệm sản xuất lâu năm kết hợp với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, sản xuất cây có múi ngày càng cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, làm giàu cho nông dân miền núi.

Theo định hướng của ngành, sản xuất cây có múi đang phát triển theo hướng bền vững hơn, tạo thành vùng hàng hóa lớn, sản xuất gắn với chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhiều mô hình sản xuất cây có múi hiệu quả theo quy mô gia trại, trang trại, câu lạc bộ, hợp tác xã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Tuy vậy, việc sản xuất cây có múi ở các tỉnh miền núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn như: (i) giống cũ, thoái hóa, mẫu mã sản phẩm chưa đẹp, kém hấp dẫn; (ii) một số vùng sản xuất thâm canh quá cao, lạm dụng phân bón, thuốc BVTV để tăng năng suất dẫn đến những rủi ro về sâu bệnh hại, giá thành cao và không đảm bảo an toàn thực phẩm; (iii) công nghệ sau thu hoạch (bảo quản, sơ chế, chế biến) còn hạn chế, chưa phát triển nên sản phẩm còn đơn điệu, giá trị gia tăng thấp (chủ yếu là ăn tươi); (iv) thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, chưa xuất khẩu được nhiều dễ dẫn tới “khủng hoảng thừa” khi vào vụ thu hoạch; (v) chuỗi giá trị trong sản xuất cây có múi nói riêng và cây ăn quả nói chung còn ít và ngắn nên sản xuất thiếu tính bền vững, người nông dân chịu nhiều rủi ro.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc của hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo tham luận của các đơn vị về: Hiện trạng, giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả có múi tại các tỉnh vùng TDMNPB; Thương hiệu nông sản, đặc sản vùng miền và xúc tiến, quảng bá thương hiệu nông sản cây ăn quả có múi của tỉnh Phú Thọ; Kỹ thuật quản lý dinh dưỡng và bệnh vàng lá Greening trên cây ăn quả có múi; Đánh giá thực trạng phát triển sản xuất và kinh doanh bưởi quả trên địa bàn huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007- 2017 và định hướng 2020; Thực trạng và giải pháp phát triển cây có múi theo hướng bền vững tại tỉnh Hòa Bình.

Các đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất cây có múi hiệu quả và thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị theo hướng an toàn, bền vững và tham quan thực tế một số mô hình trồng bưởi Đoan Hùng hiệu quả tại các xã Chí Đám, Bằng Luân, Phương Trung của huyện Đoan Hùng, Phú Thọ.

TS. Trần Văn Khởi - GĐ TTKNQG (áo xanh) trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi Đoan Hùng hiệu quả với chủ mô hình (ngoài cùng, tay trái)

Trên cơ sở kết quả trao đổi thảo luận tại hội thảo, TS. Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổng kết một số giải pháp nhằm phát triển bền vững cây ăn quả có múi theo chuỗi giá trị như sau:

1. Quy hoạch sản xuất cây ăn quả có múi thành các vùng chuyên canh để thuận lợi trong công tác quản lý, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, gắn với xây dựng các cơ sở hạ tầng bảo quản, chế biến nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm cây có múi.

2. Về khoa học công nghệ: tổng kết kinh nghiệm sản xuất, mô hình sản xuất hiệu quả, kết quả nghiên cứu khoa học để ban hành quy trình sản xuất phù hợp cho từng loại giống cây trồng, theo từng vùng sản xuất chính, kết hợp với tổ chức các hoạt động tập huấn, thông tin tuyên truyền để chuyển giao cho nông dân áp dụng. Đẩy mạnh ứng dụng các TBKT mới vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao như: công nghệ cảm biến để xác định được sự thay đổi của điều kiện tự nhiên vùng sản xuất, công nghệ tự động hóa về tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân, thuốc BVTV nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

3. Về tổ chức sản xuất: tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm (trong đó cốt lõi là nông dân và doanh nghiệp), thúc đẩy hình thành các mô hình HTX kiểu mới hoặc câu lạc bộ sản xuất theo quy trình sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật gắn với chứng nhận an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực sản xuất của nông dân thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, tham quan, hội thảo,...

4. Về thị trường: tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý,... nhằm mở rộng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cây có múi.

5. Về chính sách: chính quyền địa phương các cấp cần vận dụng linh hoạt các chính sách của Nhà nước để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm cây có múi có hiệu quả (như Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;...).

Để hỗ trợ nông dân sản xuất cây có múi có hiệu quả, trước mắt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị: (i) Trung tâm khuyến nông các tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực phục vụ phát triển cây có múi ở các địa phương, tăng cường tư vấn, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn; (ii) Các địa phương tăng cường hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, hình thành các câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để có đầu ra ổn định; (iii) Viện KHKT Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất cây có múi phù hợp với từng giống, từng vùng sản xuất để chuyển giao cho nông dân; (iv) Nông dân, người sản xuất cần mạnh dạn áp dụng các TBKT vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất phải đảm bảo an toàn, chất lượng, đồng thời tổ chức lại sản xuất theo mô hình câu lạc bộ, HTX để hỗ trợ nhau sản xuất có hiệu quả hơn và hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp thu mua, chế biến.

Bá Tiến - Quảng Bình

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia