Tham dự hội nghị có đại diện của tổng cục, cục, vụ, viện, trường thuộc Bộ NN&PTNT, Ban quản lý dự án thủy lợi, nông nghiệp, lâm nghiệp, các tổ chức quốc tế như FAO, CARE… và một số cơ quan thông tấn báo chí.

Toàn cảnh hội thảo

BĐKH và diễn biến cực đoan của thời tiết những năm qua đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới ngành nông nghiệp. Hạn hán, lũ lụt, xâm lấn mặn, mưa trái vụ, bão lốc … đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và có xu hướng ngày càng trầm trọng, trải dài trên toàn quốc. Theo dự báo, BĐKH sẽ làm nước biển dâng cao và Việt Nam có thể mất từ 30% đất nông nghiệp, đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các tỉnh ven biển. Sản xuất nông nghiệp còn gây phát thải khí nhà kính (KNK), chiếm 35,8% tổng lượng phát thải KNK quốc gia, trong đó phát thải KNK từ canh tác lúa nước chiếm 50,5% (theo báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2014).

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, thực hiện các cam kết quốc tế về BĐKH, đặc biệt là thỏa thuận Paris, ngành nông nghiệp đã có nhiều hành động cụ thể như: ban hành kế hoạch hành động, nhiều cơ chế chính sách đã được xây dựng. Mục tiêu là phát triển ngành nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, giảm tình trạng lạm dụng và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước…) không khoa học.

Ngành trồng trọt hiện đang áp dụng các giải pháp như "1 phải 5 giảm", tưới nước tiết kiệm, tưới ngập khô xen kẽ cho lúa... Ngành chăn nuôi áp dụng các hình thức xử lý chất thải (biogas). Ngành lâm nghiệp thực hiện mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng, quỹ các-bon... nhằm bảo vệ và phát triển rừng. Đối với thủy lợi, đẩy mạnh và nâng cao quản lý hệ thống thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm...

Giai đoạn 2011-2015, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong triển khai hoạt động lồng ghép nội dung ứng phó BĐKH vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt được nhiều kết quả tốt. Đề án giảm phát thải KNK trong nông nghiệp, nông thôn đến 2020 đã được phê duyệt. Nhiều hoạt đồng thích ứng và giảm phát thải KNK đã được chuyển giao và áp dụng trong thực tiễn sản xuất của ngành.

Trước tình hình cấp thiết hiện nay, ngày 14/3/2016, Bộ NN & PTNT đã ban hành Quyết định QĐ 819/QĐ-BNN-KHCN về việc phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH ngành NN & PTNT giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch triển khai thực hiện “Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định - INDC giai đoạn 2021-2030” theo QĐ 7208/BNN-KHCH ngày 25/8/2016 nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris của ngành NN&PTNT.

Tham luận tại Hội thảo, ông Lê Quang Tuấn - Cục phòng chống thiên tai cho biết, việc thực hiện công tác phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH trong những năm qua đã có những kết quả đáng khích lệ, được tổ chức toàn diện hơn với tất cả các loại hình thiên tai; hoạt động phòng chống thiên tai được triển khai theo 3 bước từ phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, đã từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp…

Tham luận của GS.TS. Tăng Đức Thắng - Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi ngập lũ hàng năm từ thượng nguồn sông Mê Kông và ảnh hưởng xâm nhập mặn theo mùa. Thêm vào đó, tác động của BĐKH và phát triển ở thượng nguồn sông làm thay đổi lớn diễn biến lũ và xâm nhập mặn trên đồng bằng. Đây được xem là những thách thức lớn và hiện hữu đối với sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL, cần có những giải pháp chủ động phù hợp và kịp thời.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, việc ứng phó với BĐKH đang tạo ra cơ hội cũng như nhiều thách thức với Việt Nam. Do đó phải xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy, thu hút sự tham gia của người dân để ứng phó với BĐKH. Đồng thời đưa ra các giải pháp về KHCN để nghiên cứu, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ rủi ro; tăng cường năng lực truyền thông và hợp tác quốc tế; đẩy mạnh nguồn lực trong nghiên cứu, dự báo, phòng tránh và giảm thiểu tác hại do BĐKH gây ra.

Hoàng Linh

Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia