Trong giai đoạn từ năm 2013 - 2016, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hoá đã phối hợp với các cơ quan Trung ương, Trạm Khuyến nông các huyện, UBND các xã đã trồng được 426 ha rừng trồng bằng giống mới (chiếm 42,1% tổng diện tích rừng mô hình đã thực hiện) tại 23 điểm trình diễn trên địa bàn 21 xã thuộc 9 huyện trong tỉnh. Tổng số hộ tham gia trồng rừng bằng giống mới là 438 hộ. Các giống mới được sử dụng trong các mô hình trình diễn chủ yếu là các giống keo lai mô, keo lai hom và keo tai tượng xuất xứ Pongaki và Cardwell.

Các mô hình trên đều được áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng thâm canh rừng gỗ lớn mọc nhanh, trồng theo phương thức trồng thuần loài. Mật độ trung bình 1.660 cây/ha (cây cách cây 2,0 m; hàng cách hàng 3,0m). Chăm sóc và bón phân trong 3 năm đầu với lượng phân bón NPK (5:10:3) là 0,2 kg/cây/năm.

Trong công tác chuyển giao kỹ thuật trồng rừng, Trung tâm đã tổ chức tập huấn cho 438 hộ nông dân trực tiếp tham gia mô hình; 02 cuộc hội thảo cho 120 người tham gia (năm 2013, 2014). Ngoài tập huấn trao đổi trên lớp các hộ gia đình còn được cán bộ của Trung tâm, Trạm Khuyến nông và khuyến nông viên trực tiếp hướng dẫn ngoài hiện trường. Vì vậy bà con nông dân đã nắm bắt và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu phát dọn thực bì, đào hố, lấp hố, bón phân và trồng cây.

Nguồn giống sử dụng trong xây dựng các mô hình trình diễn là các giống mới, các giống quốc gia, giống tiến bộ kỹ thuật có nguồn gốc địa chỉ rõ ràng được cung ứng bởi các đơn vị có uy tín đảm bảo số và chất lượng, tuân thủ đúng quy trình quản lý giống lâm nghiệp…

Do được tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật, cây giống lựa chọn là các giống quốc gia giống tiến bộ kỹ thuật, phân bón đảm bảo chất lượng; thời điểm trồng rừng thích hợp và điều kiện tự nhiên phù hợp. Vì vậy, kết quả thực hiện mô hình đều rất khả quan và vượt trội so với việc sử dụng các giống đại trà cũng như kỹ thuật đang áp dụng tại địa phương. Cụ thể, năm 2013 tỷ lệ sống TB đạt 94%; năm 2014 tỷ lệ sống trung bình đến khi nghiệm thu keo mô, hom là 93%; mô hình trồng rừng kinh tế TB đạt 90% và năm 2015 tỷ lệ sống trung bình đạt 92,5%. Điển hình có một số điểm đạt >95% (Mô hình triển khai năm 2013 tại một số điểm như Hà Tiến - Hà Trung, Xuân Lộc - Thường Xuân và Cẩm Tâm, Cẩm Thuỷ; Mô hình tại Bình Sơn - Triệu Sơn và Xuân Cao - Thường Xuân thực hiện năm 2014)...

Về khả năng sinh trưởng, hầu hết các mô hình khuyến lâm trồng rừng bằng giống mới đều có khả năng sinh trưởng vượt trội hơn so với đại trà (chiều cao, đường kính và độ thon...). Đối với Keo lai mô và keo lai hom sau 2 năm trồng chiều cao trung bình đạt 7,0 - 8,0 m; đường kính D1,3 trung bình đạt 10cm (so với đại trà là 3,5 - 5,0m và 6,0 - 7,0cm). Đối với rừng sau 3 năm trồng chiều cao trung bình đạt 9,0 - 10 m; đường kính D1,3 trung bình đạt 12cm (so với đại trà 6,5 - 8,0m và 9,0 - 10cm).

 


Một số mô hình và hộ gia đình đạt kết quả tương đối tốt đó là: Hộ gia đình ông Năm ở Xuân Lộc - Thường Xuân (2013), hộ gia đình nhà ông Tú ở Bình Sơn - Triệu Sơn (2014); Hộ gia đình nhà ông Lương, ông Mão ở Xuân Cao, hộ gia đình bà Chính ở Lương Sơn - Thường Xuân (2014); Hộ gia đình nhà ông Hưng ở Yên Lạc - Như Thanh (2015)... Riêng mô hình năm 2016 chưa nghiệm thu. Với đặc trưng của sản xuất kinh doanh rừng là có chu kỳ dài, do vậy trong năm thứ nhất, do rừng chưa khép tán, người dân địa phương đã trồng xen sắn, ngô và mía để nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho các hộ nông dân.

Thông qua việc xây dựng các mô hình trình diễn đã làm thay đổi cách nghĩ cách làm của đồng bào miền núi. Từ chỗ đa số bà con còn thờ ơ với việc trồng rừng, trồng chay, trồng dày, mua giống không rõ nguồn gốc xuất xứ…, đến nay các hộ đã trồng tương đối đảm bảo mật độ, liên hệ mua giống ở những nơi có địa chỉ rõ ràng. Một số hộ có điều kiện kinh tế đã đầu tư mua phân bón. Sau chu kỳ khai thác, các hộ đã tái đầu tư trồng lại rừng. Vì vậy chất lượng rừng ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, do hiệu quả kinh tế của việc trồng mía thấp, nhiều hộ gia đình đã phá bỏ diện tích mía ở những nơi có độ dốc trên 15 độ để trồng keo.

Có thể nói, việc lựa chọn một số giống cây lâm nghiệp mới trong xây dựng mô hình khuyến lâm với phương thức trồng thuần loài tại 9 huyện trong tỉnh đã bước đầu mang lại hiệu quả cho người dân địa phương, được chính quyền và bà con nông dân trong tỉnh đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình.

Hà Lâm

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hoá