Tham gia mô hình liên kết sản xuất giống lúa Tẻ Râu, các hộ dân được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại, khử lẫn tạp.

Để đảm bảo sự tin tưởng của người dân về mô hình liên kết sản xuất, trước khi thực hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã ký hợp đồng với từng hộ dân, trong đó cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm thóc tươi sau khi thu hoạch với giá 11.000 đồng/kg và cũng yêu cầu các hộ dân cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất giống theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn giống.

Các hộ nông dân đang tiến hành khử lẫn tạp trên ruộng lúa

Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện, nhờ sự nhiệt tình tham gia của các hộ nông dân cũng như sự chỉ đạo, theo dõi sát sao của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, giống lúa Tẻ Râu sinh trưởng tốt, sâu bệnh hại trong tầm kiểm soát, cán bộ kỹ thuật cùng các hộ nông dân tiến hành khử lẫn 3 lần đảm bảo quần thể ruộng lúa đồng đều, không bị lẫn tạp các giống lúa khác. Năng suất bình quân đạt 4,8 tấn thóc tươi/ha, Ttrung tâm Khuyến nông đã thu mua toàn bộ thóc tươi của các hộ dân để phơi sấy, xử lý, bảo quản, đóng gói để làm giống cho vụ sau. Với giá bán 11.000 đồng/kg thóc tươi, người nông dân thu nhập 52,8 triệu đồng/ha.

 Anh Lù Páo Giàng là một trong những hộ nông dân tham gia mô hình cho biết: “Gia đình tôi ký hợp đồng sản xuất giống với diện tích 6.000m2, được cán bộ khuyến nông thường xuyên hướng dẫn tận tình nên cây lúa sinh trưởng phát triển rất tốt. Gia đình thu được 2.450 kg thóc tươi bán được 26.950.000 đồng. Tôi phấn khởi lắm vì năng suất cao, được thu mua ngay tại ruộng, không phải mất công phơi sấy, bảo quản, giá thóc lại cao hơn nhiều so với các giống lúa khác chỉ bán được 7.000-8.000 đồng/kg thóc khô. Năm sau tôi mong Trung tâm Khuyến nông tiếp tục ký hợp đồng để gia đình tôi và các hộ trong bản được thực hiện sản xuất tăng thêm thu nhập.”

Mô hình liên kết với người dân để sản xuất giống lúa, nhất là đối với các giống lúa đặc sản của địa phương là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, thực hiện mô hình từng bước giúp người dân nắm được các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất giống, tự để giống sản xuất cho các vụ sau đảm bảo tiêu chuẩn, địa phương chủ động được nguồn giống, góp phần phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, từng bước giúp cho sản phẩm gạo Tẻ râu đứng vững trên thị trường trong và ngoài tỉnh./.

Đặng Đình Thản

Trung tâm Khuyến nông Lai Châu